COVID-19: Bế tắc con đường về quê của công nhân!

Link Video: https://youtu.be/pBFuIw8EH-U

Đăng ký về quê: Vô vọng

Mới đây, lãnh đạo TPHCM đã công bố giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 đến hết tháng 9, trong khi đó lãnh đạo tỉnh Bình Dương hôm 15/9 cho biết hết tháng 10, tỉnh này mới mở cửa lại rộng rãi hơn. Hiện số ca nhiễm tại hai địa phương có đông công nhân tỉnh khác đến làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, mỗi ngày đều ghi nhận có giảm nhưng cũng dừng lại ở bốn con số. Các công nhân quê ở Cà Mau, Khánh Hoà, Cần Thơ, Đắk Nông đang bị kẹt lại TPHCM và Bình Dương trong mùa dịch cho biết họ đăng ký được về quê hai tháng nay nhưng chưa nhận được trả lời từ chính quyền địa phương:

Tôi là công nhân Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát, Bình Dương. Bây giờ công ty nghỉ làm hai tháng nay tôi ở nhà, gia đình năm người mà ăn ở không gần hai tháng nay. Tôi xin về quê mà chưa có chuyến về, tôi đăng ký tháng mấy hai tháng chưa được giải quyết gì.”

Tôi làm công ty gỗ ở xã An Điền, Bến Cát, Bình Dương, tôi đang kẹt ở đó. Quê ở Khánh Hòa, giờ tôi muốn về lắm tại ở dịch mà lương tháng không được phát, ở trọ này nọ nhiều thứ lắm. Khó khăn ăn uống, tiền bạc, cũng ở một chỗ chứ đâu đi lại được, giờ tôi còn thiếu tiền trọ.”

Tôi ở thị xã Tân Uyên, vợ chồng tôi tính đăng ký xin về Cần Thơ mà không biết sao.

Thấy nói giãn cách tới 30/9 nè, tính đăng ký được dưới quê về đoàn xe nó dễ.”

Làm công nhân Bình Dương, công ty Giày da Pháp Việt, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nếu có xe giờ tôi muốn có nhu cầu về quê xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.”

Không riêng những công nhân ở Bình Dương như vừa nêu, nhiều người dân tứ xứ đổ về TPHCM làm nghề tự do hoặc làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp cũng đang có chung mong ước được về quê sau khi họ bị kẹt lại TPHCM vì đại dịch COVID-19 kéo dài hai năm qua:

Còn ở lại chưa được về, ở đường Thăng Long, Tân Tạo, Bình Tân. (Làm nghề) rửa xe, hồi dịch tới giờ là nghỉ luôn.

Về dưới Sóc Trăng thì đỡ hơn, có gì ăn nấy rẻ tiền hơn trên này. Trên này không có hỗ trợ, ăn uống thất thường, không có ăn.

Bây giờ ai cũng muốn về quê hết nhưng đang dịch này thì cũng chặn chứ đâu cho mình về.

Chị đó đi làm (phụ) hồ, bữa hôm chị đó cũng về luôn, đi nửa đường rồi ở chốt bắt, thảy lên xe chở lại. Đâu có nơi gì cho chị đó ở nên cho chị đó ở chung.”

Một điểm phong tỏa trên địa bàn TP HCM

Túng quẫn sẽ làm liều?

Quá quẫn bách vì phải sống lây lất xa quê trong mùa dịch kéo dài hàng năm trời, nhiều người đã chọn đường trốn về quê theo những cách khác nhau. Mới đây, sự việc 15 người từ Bình Dương và TPHCM bị phát hiện trong thùng xe đông lạnh, tránh chốt kiểm dịch ở Bình Thuận để về quê khiến nhiều người không khỏi lo lắng, ngỡ ngàng.

Theo đó, những người này cho hay họ đăng ký xe về quê bình thường nhưng đến ngày về họ bị nhà xe “buộc” ngồi vào thùng xe đông lạnh. Lý do nhà xe đưa ra là để tránh một chốt kiểm soát ở Đồng Nai và một chốt ở tỉnh Bình Thuận.

Trao đổi với phóng viên RFA, một công nhân Bình Dương quê ở Cà Mau bày tỏ:

Trên clip chở mấy người trong xe đông lạnh tôi thấy khổ lắm, mấy người đó hết đường sinh sống mới về quê, đối với tôi cũng vậy.”

Ông nói rõ hơn về hoàn cảnh bản thân hiện nay:

Nhà, đất dưới có sẵn hết, tính xin về quê mình cách ly tại nhà, nguyên gia đình đi hết.

Giờ trên này sống hết nổi rồi. Nếu về quê được thì cũng sống lây lất được vì nhà cửa, đất đai ở dưới còn rau cải này kia sống lai rai được, chứ ở trên này giờ không biết sao sống.

Từ hồi dịch tới giờ không ai đi làm ra tiền, tiền trọ người ta bớt chút đỉnh thôi nhưng buộc phải đóng, tiền ăn hàng ngày lúc này cũng cạn kiệt, ăn mắm ăn muối không, có gì đâu mà ăn. Giờ không ra ngoài được, mua gì ngày hơn 100 ngàn có một miếng ăn không ra gì, lây lất giống như ăn tương với chao nhiều. Người ta tiếp tế cho mình phần nào thôi, không tiếp tế hoài được.”

Những chia sẻ vừa rồi của người công nhân quê ở Cà Mau tương tự hoàn cảnh của các công nhân xa quê lên các thành phố lớn lập nghiệp. Một công nhân quê Đắk Nông nói:

Giờ nói chung tiền bạc, đồ ăn, uống không có, không biết cách xoay sở, nếu có xe về thì tốt, sợ không trụ nổi. Dịch căng không làm gì được mà vừa đóng tiền trọ, vừa lo tiền ăn, khổ lắm mùa dịch!”

Hoặc như tâm sự của hai công nhân quê Cần Thơ và Sóc Trăng:

Nếu kéo dài hoài tụi tôi làm công nhân không đi làm được có đồng vô đồng ra. Kéo dài mãi thì tôi cũng chịu không nổi, kinh tế khó khăn quá, về không được chắc chết luôn.”

Về dưới Sóc Trăng thì đỡ hơn, có gì ăn nấy rẻ tiền hơn trên này. Trên này không có hỗ trợ, ăn uống thất thường, không có ăn.

Đầu dịch tới giờ mấy ông không cho gì hết, chỉ hôm bữa cho nhà trọ gói an sinh thì mình chạy ra xin được một bọc thôi. Mình ở kiểu nhà mướn rửa xe là không có cho, chạy ra xin được một bọc thôi, tiền là không có gì hết. Bữa giờ là hai tháng tiền nhà không có tiền đóng.”

Việc 15 người vì muốn về quê mà phải liều mình ngồi vào xe đông lạnh để tránh các chốt kiểm soát đã khơi gợi lại vụ 39 người Việt thiệt mạng trong xe tải đông lạnh khi tìm cách nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh cuối năm 2019.

Sự việc này được ví như một lời cảnh tỉnh với lãnh đạo các địa phương rằng bên cạnh công tác phòng chống dịch, vấn đề an sinh xã hội cho người dân cũng rất quan trọng.

Nếu không, như lời của người công nhân quê ở Cà Mau cho biết, ông và những công nhân khác đã “cạn kiệt” tinh thần lẫn vật chất, nếu không được giúp đỡ hoặc cho phép về quê sinh sống, ông sẽ không biết sống sao!

Nếu giãn cách cỡ nửa tháng nữa thôi là khổ dữ lắm, cũng cạn kiệt rồi. Bây giờ không biết chừng nào mấy ông dỡ phong tỏa cho về quê, giờ nằm đợi từng ngày, hết biết đường tính luôn, nhà năm người năm miệng ăn không làm ra tiền không biết sao sinh sống.”

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/covid-19-deadlock-on-workers-way-home-09242021124547.html