Covid: Khó gỡ phong tỏa ở các địa phương từng bị làm ‘pháo đài?

Link Video: https://youtu.be/Y75rvZXl-x4

Dường như ở một số địa phương tại Việt Nam vẫn có mâu thuẫn trung ương – địa phương về quyền hạn và cách thức quản lý quốc gia trong quá trình tháo gỡ phong tỏa.

Việc chặn “quyết liệt” lưu thông tại các đô thị miền Nam là một trong nhiều lý do khiến hàng vạn lao động đã tháo chạy về quê ngay khi lệnh dỡ phong tỏa được ban ra.

Nhưng cho đến các ngày 10-11/10/2021, ở miền Bắc, báo chí và mạng xã hội phản ánh nhiều người dân bị cản lại, được cho qua, được xe công an dẫn đường, nhưng có nơi người dân bị kẹt trên quốc lộ, không được đi tiếp…

Ví dụ có người dân Hà Nội cho BBC hay, việc qua hơn 20 chốt ở thành phố này để về các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương là “vô cùng khó khăn“.

Đặc biệt, chương trình bắt đi “cách ly tập trung” khiến xã hội Việt Nam sống trong tâm lý sợ hãi triền miên, theo nhiều ý kiến trên mạng xã hội.

Phương châm chống dịch “mỗi địa phương là một pháo đài” nay chuyển thành nỗi lo “cát cứ, chia cắt” của chính quyền, như chính lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nói gần đây.

Cũng vẫn ông Phạm Minh Chính hồi tháng 9 đã kêu gọi “mỗi huyện, mỗi xã là một pháo đài” để ngăn Covid lây lan.

Ảnh: phạt người về từ vùng dịch, Ninh Thuận lập biên bản 1.362 trường hợp về quê, tạm giữ 679 xe máy, báo Tuổi trẻ đưa tin. Chưa có địa phương nào hành xử ghê gớm như Ninh Thuận đối với người dân trở về quê hương tìm đường sống

Các pháo đài trở thành lô cốt?

Nhưng đến hôm 09/10, viết trên trang Facebook của mình, Chính phủ Việt Nam khẳng định “Tăng cường kiểm tra, không để địa phương mỗi nơi làm một kiểu“.

Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt.” “Bộ Giao thông Vận tải tham khảo ý kiến các địa phương nhưng người quyết định phải là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ Giao thông Vận tải…”

Vẫn theo trang này: “Các địa phương phải nắm chắc tình hình, chia sẻ, phối hợp tổ chức thật tốt việc đưa đón người về quê và từ quê trở lại, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn, an ninh cho nhân dân.”

Hiệu quả điều hành của chính quyền trung ương và địa phương lại nổi lên là một trong những tâm điểm chú ý của dân. Nhiều người công khai đặt câu hỏi và bình luận trên mạng xã hội.

Ảnh: mặc dù thủ tướng yêu cầu mở lại đường bay nội địa nhưng có 3 địa phương chưa đồng ý cho mở là Hà nội, Hải phòng và Gia lai, nên kế hoạch bị chững lại, báo Lao động đưa tin

Địa phương không thể đóng cửa?

Ông Nguyễn Công Khế bày tỏ trên trang cá nhân: “Đây là tiêu đề rất hay trên báo Một Thế Giới hôm qua, ngày 6-10: Không thể mở cửa nền kinh tế nếu không mở sự đi lại.”

Hôm qua, một người bạn tôi công tác cần, có xét nghiệm âm tính, có hai mũi Vaccine, có giấy đi đường cũ còn giá trị, có khai báo y tế…không thiếu một thứ gì. Cậu em phóng viên ở Bà Rịa – Vũng Tàu bảo với anh ấy:anh chớ đi ngang qua Bà Rịa – Vũng Tàu, dù không dừng lại ở đó, vì đi ngang qua địa phương này, phải có ý kiến của Chủ tịch Tỉnh.”

Bạn Nguyễn Hữu Thắng bình luận: “Tại sao ngành đường sắt không tạo điều kiện để đón người dân về quê. Đường Sắt có nhiều thuận lợi như chở được nhiều người và hàng hóa cùng một lúc, có hậu cần đầy đủ, tuyến đường cách biệt với đường bộ, ít xen vào khu dân cư mà cũng đảm bảo dừng được nhiều địa phương… Các lãnh đạo nên ra đường để xem người ta di chuyển về quê.”

QuangHue Vo kể: “Một chủ doanh nghiệp và ba ông bạn chuyên gia người nước ngoài là lãnh đạo ba công ty lớn ở TP HCM đi ra nghỉ ở Bà Rịa – Vũng Tàu và làm việc ở nhà, điều hành công việc kinh doanh từ xa. Bây giờ hết Lockdown, đã chích ngừa xong, muốn về lại nhà ở thành phố và làm việc trực tiếp “bình thường mới” trong văn phòng, nay phải xin phép của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.”

Trương Sỏi thắc mắc: “…Sao Thủ tướng nói sống chung với dịch mà mỗi tỉnh làm mỗi kiểu vậy? Hà Nội, Đà Nẵng vẫn chưa đồng ý cho bay?”

Không dừng lại ở đây, My Lan thẳng thừng: “Loạn sứ quân, quan lớn nói đàng, quan nhỏ làm nẻo riết dân không biết ông mô đúng, ông mô sai.”

Do Minh nói thêm: “Chúng ta đang làm đông cứng lại huyết mạch giao thông cả nước, xem ra còn nguy hiểm hơn cả con virus Covid19. “Phép vua thua lệ làng” không còn là hiện tượng cá biệt.”

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ở An Giang?

Trong tuần qua, người dùng mạng xã hội VN chia sẻ một đoạn ghi âm được cho là cuộc trao đổi giữa ông Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công An tỉnh An Giang và cựu Bí thư tỉnh ủy.

Cũng trong đoạn băng âm thanh này, người được cho là ông Đinh Văn Nơi đã phản đối lệnh của cấp trên điều động quân đội, công an trấn áp người dân.

Tôi nói thật với anh, làm nhiều cái tôi muốn đập bàn luôn, không phải chuyện đơn giản đâu. Ông cứ phát biểu, ông đòi kêu công an, quân đội đi ra, xách súng xách đạn ra. Tôi không làm đó. Làm cái gì tôi!?”

Báo chí nhà nước nói đây là một đoạn ghi âm bị “cắt ghép”.

Ảnh: Đoàn xe Phương Trang hỗ trợ tỉnh Phú Yên đón công dân từ tâm dịch về lại quê hương hàng tuần 2 buổi. Trong khi hầu hết các tỉnh khác tuyên bố ngăn chặn người dân hồi hương thì riêng Phú Yên lại tổ chức đưa đón dân chu đáo

VnExpress nói: “lãnh đạo Công an tỉnh An Giang cho biết, cơ quan điều tra đã xác định được người có liên quan đến vụ cắt ghép file ghi âm của Đại tá Đinh Văn Nơi với ý đồ xấu.”

Tuy thế, tờ báo không phủ nhận giọng nói đó là của ai khác và “cắt ghép là cắt ghép như thế nào“.

Nội dung video này vẫn có thể tiếp cận được trên mạng YouTube theo kiểm tra của BBC News Tiếng Việt ngày 10/10.

Theo tờ Tuổi Trẻ có bài: “Khởi tố vụ án liên quan đoạn ghi âm cắt ghép của đại tá Đinh Văn Nơi“, khiến vụ việc càng làm dư luận chú ý.

Ngày 9/10, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án ‘Làm, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước’ liên quan đến đoạn ghi âm bị cắt ghép của đại tá Đinh Văn Nơi.”

Cùng lúc có kiến cho rằng việc khác biệt quan điểm trong bộ máy chính quyền về cách chống dịch Covid là chuyện hoàn toàn bình thường.

Có người còn chỉ ra rằng chính phủ Việt Nam cũng thường “trái ngược” với chính họ trong cách ứng xử trước đại dịch, thậm chí bị động chạy theo tình hình, theo một bài của T.K. Tran, đăng trên BBC gần đây.

Riêng tại An Giang, việc không làm theo Trung ương là tiền lệ đã có.

Ảnh: báo chí VN đổ cho FB Hoàng Dũng hiện đang định cư tại Mỹ đã cắt ghép File ghi âm đại tá Đinh Văn Nơi nói chuyện, tuy nhiên ông Hoàng Văn Dũng phủ nhận điều này

Sau cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tối 01/10, tỉnh này giữ vững quan điểm là không tiếp nhận người về quê theo đường “tự phát“.

Chủ tịch UBND, ông Nguyễn Thanh Bình nói rằng còn có nơi dịch diễn biến phức tạp và các khu tiếp nhận cách ly tập trung đã đầy.

Điều này đã đặt An Giang vào tình thế là không thể tiếp nhận người dân về trong thời gian tới,” ông được báo Lao Động dẫn lời

Sớm ngày hôm đó 1/10, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải ký công điện gửi các tỉnh phía Nam yêu cầu kiểm soát và phục vụ tốt người dân có nhu cầu về quê.

Từ những những sự việc nêu trên, một phần dư luận Việt Nam đang tiếp tục mất niềm tin vào một chiến lược thiếu tính thống nhất trong việc quản lý, vận hành đất nước từ trung ương đến địa phương.

Nhìn từ Anh Quốc, TS Hồ Quốc Tuấn nói với BBC hôm 10/10:

Chúng ta thấy là thực tế là các tỉnh có quan điểm chống dịch khác nhau, như một số tỉnh muốn mở ra và một số muốn đóng, và điều đó cũng phản ánh vấn đề chính trị Việt Nam là hiện nay đang có rất nhiều quan điểm khác nhau, bởi bài toán cân bằng giữa dịch bệnh và kinh tế rất là khó.”

Ông Tuấn, một chuyên gia tài chính, kêu gọi chính ‘Tứ trụ’ ở VN, gồm TBT Đảng Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cần phải có quan điểm rõ ràng về phục hồi kinh tế những ngày tháng tới cho quốc gia gần 100 triệu dân.

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> ‘Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng’

>>> “Vinh quang thuộc về Đảng cộng sản”, đau thương trút lên đầu dân!

>>> Công nhân đến đường cùng thì phải về quê!

Tất cả vì… Thủ tướng!


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT