Link Video: https://youtu.be/0xP2NcmNm80
Ông Phạm Minh Hùng, chủ đàn chó bị tiêu hủy nói với BBC rằng ông muốn đòi lại công bằng cho “những đứa con” của ông. Đồng thời, ông Hùng cũng muốn tìm luật sư hỗ trợ.
Từ trong bệnh viện, ông Hùng vẫn khẳng định từ khi đàn chó của ông bị tiêu hủy, ông vẫn chưa được thông tin gì về vụ việc:
“Tui không hề được báo gì, không ai hỏi gì tôi từ hổm đến giờ. Nhờ cộng đồng mạng tôi mới biết tin, rồi hai vợ chồng tui khóc quá trời, không ngủ được luôn. Tui không muốn tin đó là sự thật“.
“Tui phải gọi về hỏi thì người ta mới nói là tụi nó bị đem đi tiêu huỷ. Rồi họ làm khi nào, ở đâu, tui đều không biết gì.” ông Hùng nói.
Muốn tìm công bằng cho ‘đàn con’
Trên mạng xã hội, một video ghi hình ông Phạm Minh Hùng trong khung cảnh ở bệnh viện. Ông nói:
“Tôi xin phép kêu người thân tôi lại đem chó về nuôi. Sau khi cách ly ra tôi sẽ nhận lại tôi nuôi. Có một anh công an đồng ý, ghi lại họ tên rồi cho đem về. Nhưng có cô bác sĩ, y tá nào đó tôi không biết, là không cho tôi đem về vì lý do chó tôi nhiễm bệnh, làm lây sang cộng đồng.”
“Hôm nay tôi làm clip này nhờ đến những người có tiếng nói và luật sư giúp đỡ giùm tôi. Sau khi tôi khỏe ra sẽ kiếm tụi con tôi và đốt nhang, cúng cho tụi nó siêu thoát.” ông Hùng nói trong video.
Trước đó, ông nói với BBC rằng ông nuôi đàn chó 15 con được khoảng 6 năm, ông thương chúng như con. Đàn chó là do chó mẹ đẻ ra chó con, chứ ông không xin ở ngoài.
Ông làm phụ hồ ở Long An, mỗi ngày kiếm được 350.000 đồng, ông mua thức ăn cho đàn chó hết 100.000 đồng.
“Từ khi dịch tới giờ, tui chỉ nhận được 15kg gạo chứ không nhận được một đồng nào. Tui đi bắt cá, ốc bươu về cho đàn con tôi ăn. Khi đàn chó bị tiêu hủy, tui không hề biết hay được thông báo gì.
Chỉ có cộng đồng mạng gọi báo, tôi gọi về thì người ở khu cách ly nói đã tiêu hủy. Vợ chồng tôi khóc quá trời, không thể nào ngủ được, nhưng tôi biết làm được gì.” ông nói với BBC qua điện thoại.
Trao đổi với phóng viên BBC, ông Hùng cũng cho hay tình hình sức khỏe của hai vợ chồng không tốt. Mấy bữa trước ông đã phải thở oxy. Ông Hùng muốn tập trung điều trị Covid trong khu cách ly. Do đó, ông mong muốn cộng đồng trợ giúp, đòi lại công bằng cho đàn chó của ông trong thời gian ông điều trị bệnh.
Khi được hỏi về việc nhiều người đang ký thỉnh nguyện thư kêu gọi công bằng cho đàn chó của ông, ông Hùng khẳng định với BBC: “Tôi đương nhiên là muốn đòi lại công bằng cho đàn con của mình.”
Theo đó, một kiến nghị thư đã có được hơn 170.000 chữ ký, tính đến ngày 15/10, kêu gọi chấm dứt hành động tiêu hủy chó này và phải có người đứng ra chịu trách nhiệm.
Luật sư nói gì?
Theo luật sư Phùng Thanh Sơn, việc tiêu hủy động vật là trung gian truyền bệnh là một biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng dịch được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007. Theo đó, động vật là trung gian truyền bệnh sẽ bị tiêu hủy.
LS Sơn dẫn quy định tại điểm b khoản 4 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Theo đó, hành vi đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền dịch bệnh sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu hủy.
Thực tế, chủ sở hữu của đàn chó bị tiêu hủy là có kết quả dương tính với COVID 19. Vì vậy, không loại trừ khả năng đàn chó cũng đã mang tác nhân gây bệnh COVID 19.
Nếu người khác có hành vi tiếp xúc như vuốt ve, ôm nựng hoặc bị đàn chó liếm thì hoàn toàn có khả năng nhiễm bệnh.
“Đàn chó có thể bị liệt vào động vật trung gian truyền bệnh và phải tiêu hủy nếu cơ quan y tế xét nghiệm cho kết quả đàn chó mang tác nhân gây bệnh Covid-19. Do đó theo tôi, nếu cơ quan chức năng có bằng chứng chứng minh đàn chó này mang virus Covid-19 và có khả năng truyền bệnh thì việc tiêu hủy là đúng quy định hiện hành.” ông Sơn nói với BBC News Tiếng Việt.
Tuy nhiên, ông cũng chất vấn tính phù hợp của luật.
Luật sư phân tích:
“Bộ Y tế hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn các biện pháp xử lý khác đối với động vật trung gian truyền bệnh. Theo tôi, bất cập hiện nay nằm ở Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Luật chưa có sự phân biệt giữa động vật trung gian truyền bệnh là thú cưng và động vật trung gian truyền bệnh không phải là thú cưng. Luật cũng không quy định về điều kiện và trình tự tiêu hủy động vật trung gian truyền bệnh.
Chính những điều này tạo sự tuỳ tiện trong việc xử lý đối với động vật là thú cưng khi tiếp xúc với người nhiễm Covid.”
Còn luật sư Đặng Đình Mạnh thì nói với BBC rằng:
“Về dân sự, phát sinh trách nhiệm của người gây ra sự việc phải bồi thường tổn thất vật chất và tổn thương tinh thần cho người bị thiệt hại. Đồng thời, về trách nhiệm hình sự cũng phải xem xét căn cứ vào giá trị tài sản bị thiệt hại thông qua định giá tư pháp.”
“Hành xử sai gây thiệt hại thì phải khắc phục bằng cách bồi thường và xử lý người làm sai. Trong trường hợp chính quyền chỉ nhận sai mà không thực hiện việc khắc phục thì người dân nên chủ động tiến hành thủ tục yêu cầu bồi thường và xử lý.”
Theo đó, LS Mạnh gợi ý ông Hùng có thể lựa chọn thủ tục khiếu nại hoặc tố cáo việc vi phạm pháp luật đến cơ quan chức năng cho thẩm quyền. Vì theo luật sư, việc chính quyền nhận sai, về tương quan là mặt thuận lợi cho người dân quyết định theo đuổi việc khiếu nại hay tố cáo.
Câu chuyện nổi tiếng thế giới
Vụ việc chính quyền Cà Mau tiêu hủy 15 con chó và một con mèo không chỉ gây xôn xao dư luận Việt Nam mà còn thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Một số hãng tin từ Hong Kong, Thái Lan, Malaysia, Đức đã đăng tải thông tin về sự việc này.
Trên các trang mạng xã hội tiếng Anh những giờ qua, nhiều người chia sẻ tin “Việt nam tàn nhẫn giết chết 15 con chó“, hoặc “15 con chó vô tội bị đánh đến chết ở Việt Nam“.
Trên BBC News, bài viết với tựa đề “người chủ đau khổ vì 15 con chó bị giết trong dịch Covid” đăng tải hôm 14/10 gây chú ý. BBC tiếng Hàn, tiếng Indonesia và tiếng Thái cũng dịch lại bài viết này.
BBC tiếng Hàn, tiếng Indonesia và tiếng Thái cũng đưa tin về vụ việc 15 con chó bị tiêu hủy ở Cà Mau, Việt Nam
BBC News Tiếng Việt ghi nhận những bình luận: “đau lòng, mất ngủ“, “tàn bạo quá“, “cai trị độc ác” là những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong các bài viết về vụ việc.
Trước đó, hình ảnh vợ chồng ông Hùng chở những chú chó trên xe máy chất lỉnh kỉnh đồ đạc như quạt, nồi cơm điện… cùng đàn chó nhỏ lớn 15 con để về quê tránh dịch được chia sẻ rất nhiều trên mạng.
Dân mạng vô cùng xúc động trước tình cảm vợ chồng này dành cho những chú chó. Những tấm ảnh đàn chó được trùm áo mưa và ngồi trên đùi ông Hùng cũng được chia sẻ tràn ngập trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, cũng có luồng ý kiến cho rằng, việc tiêu hủy đàn chó là “không thể làm khác được” vì đội ngũ bận chống dịch, đàn chó chạy rong ở khu cách ly gây sợ hãi cho nhiều người.
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nói:
“Lý do vì sao chúng tôi không cách ly dài ngày đối với đàn chó thì vẫn là quan điểm chống dịch là trên hết.
Sợ lây nhiễm, chống lây nhiễm là việc trên hết. Vấn đề tiêu hủy nhận được đồng tình của bà con. Bà con mừng lắm, nếu không khéo thì đàn chó này chạy ra bên ngoài hay cắn người nào đó; trong khi chủ thì nằm điều trị ở bệnh viện, không ai chịu trách nhiệm về hậu quả“, ông Công nói tại cuộc họp báo.
Chuyên gia y tế nói gì?
Tuy nhiên, trao đổi với BBC, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, thuộc Viện nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ kiêm cố vấn khoa học Ruy Băng Tím nói vụ tàn sát đàn chó là “vô đạo đức” và “lố bịch” vì không có hướng dẫn nào quy định vật nuôi phải bị tiêu hủy nếu chủ bị nhiễm bệnh.
“Không có bằng chứng khoa học nào về chó và mèo có thể là trung gian truyền bệnh Covid sang người. Tuy nhiên, những người bị Covid đôi khi có thể lây cho chúng.” ông Vũ nói.
Chuyên gia dẫn nghiên cứu ở Texas đã tiến hành thử nghiệm trên 76 con chó và mèo từ 39 hộ gia đình có bệnh nhân Covid, phát hiện ra ba con mèo và một con chó đã bị nhiễm bệnh. Các con vật thường không có triệu chứng, hoặc chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ. Tất cả đều hồi phục nhanh chóng.
TS Vũ gợi ý: “Có nhiều cách để xử lý vụ này, chẳng hạn như cách ly riêng đàn chó ra, nhốt trong lồng; liên hệ với thân nhân của người chủ hoặc nhờ một tổ chức xã hội chăm sóc chúng cho đến khi chủ khỏi bệnh.”
Nhận xét với BBC, một nhà quan sát tại TP HCM nói: “Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên cao nhất là cuộc chiến chống lại virus. Những khẩu hiệu về thời chiến như ‘Chống dịch như chống giặc’ đặt cả xã hội vào trạng thái chiến tranh. Trong cuộc chiến hăng máu đó, những chú chó ở Cà Mau chỉ là vật hy sinh bé nhỏ cho đại cục chống dịch.”
Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Chống dịch theo kiểu sinh con rồi mới sinh cha
>>> Miền Tây căng thẳng trước dòng người về quê tránh dịch
>>> Lãnh đạo muốn “huy động tiền dân” ngay sau phong toả
https://youtu.be/xfBO0w0PQJA
Việt Nam: Xung quanh chuyện tố cáo ‘chiếm dụng tiền từ thiện’
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT