‘Diễn tập’ metro, thật – giả, hay giả – thật?

Link Video: https://youtu.be/jVTSpOQOuO8

“Giám đốc Metro Hà Nội vừa khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện “diễn tập sự cố” khi vận hành tuyến metro Cát Linh – Hà Đông trong năm đầu tiên.

Chuyện giả lập “sự cố” để “diễn tập” sẽ tiếp tục không báo trước và cơ quan nhà nước quyết định sẽ kích hoạt bất ngờ để kiểm tra phản ứng của đơn vị vận hành.”

Tác giả Trân Văn có bài bình luận về sự việc này trên Blog VOA Tiếng Việt với nội dung như sau:

Trong mắt của “cơ quan nhà nước”, khách hàng của Metro Hà Nội nói riêng và dân chúng Việt Nam nói chung chẳng là gì cả!

Chuyện tổ chức “diễn tập sự cố” đối với tuyến metro Cát Linh – Hà Đông không mới.

Cách nay mười ngày – chiều 7/12/2021 – các đoàn tàu ở ga Cát Linh đột nhiên ngừng hoạt động trong 30 phút.

Hành khách được thông báo về “sự cố” và hoặc phải nhận lại tiền đã bỏ ra mua vé rồi tự tìm phương tiện giao thông khác để đi lại, hoặc phải dùng xe buýt.

Cuối cùng, Metro Hà Nội loan báo đó chỉ là “sự cố diễn tập” mà chính họ cũng không biết vì Sở Giao thông Vận tải Hà Nội không báo trước.

Ở thời điểm đó đã có rất nhiều người lên tiếng phân tích đúng – sai về quyết định giả lập… “sự cố” để… “diễn tập”.

Chẳng hạn Tịnh Nguyễn Thanh: Công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông luôn đem đến cho nhân dân cả nước hết bất ngờ này đến bất ngờ khác!

Sau những bất ngờ về thời gian thi công kéo dài mười năm với những lần đội vốn khiến giá thành bất ngờ tăng rất khủng thì lần này hành khách lại có thêm một trải nghiệm hoàn toàn mới về sự “bất ngờ”.

Mua vé xong chờ hoài không chạy, cuối cùng được hoàn lại tiền! Sau đó được giải thích… “chỉ là diễn tập không báo trước”(?).

Ghê quá, phải không? Nghe giải thích mà xẩu cả mình! Vẫn còn nhiều người thấy thắc mắc: Có cần thiết phải “diễn tập không báo trước” như vậy không?

Mục đích của việc “diễn tập không báo trước” này là gì? “Bất ngờ” thiệt chứ!

Ảnh: Tàu Cát Linh – Hà Đông trong lần diễn tập xử lý sự cố, cứu nạn cứu hộ trước khi đưa vào sử dụng

Facebooker Nguyễn Tấn Thành thì tập hợp nhiều thông tin từ hành khách của chuyến tàu… “diễn tập sự cố”: Từ 6h15 tới 6h45 là 30 phút ngồi chờ trên tàu nhưng tàu không chạy.

Lúc 6h45 thì có thông báo là tàu đã bị sự cố. Đợi mười phút, tới 6 giờ 55 thì có thông báo đi bằng phương tiện khác.

Chờ từ 6 giờ 55 tới 7 giờ 45, tức 50 phút thì có xe buýt tới đưa đi – để nêu thắc mắc: Chỉ “diễn tập” hay có sự cố?

Nếu là “DIỄN TẬP” thì lại thêm một thất bại lớn: Tại sao “diễn tập” mà bắt hành khách đợi tới 30 phút mới thông báo vì đợi 5 phút là đủ cho diễn tập rồi.

Nếu “diễn tập” thì sau khi thông báo sự cố tiếp theo thường là xin lỗi và đề nghị hành khách chuyển sang phương tiện khác, tại sao lại chờ thêm 10 phút nữa, giống như không khắc phục được mới đề nghị.

Chủ động “diễn tập” thì tại sao hành khách phải chờ thêm 50 phút mới điều xe buýt đến…

Trong khi Nguyễn Tấn Thành nhận xét : Nếu “diễn tập” thì như thế là quá tệ vì không có sự chuẩn bị nào cả, bắt hành khách thành nạn nhân – chịu đựng chờ đợi.

Nếu “sự cố” mà dối trá, chuyển thành “diễn tập” thì quá xem thường dân và đẩy cái công trình hữu nghị Việt Tàu này đến chỗ nguy hiểm hơn, tác hại hơn mà thôi.

FB Nguyễn Đình Bổn bỡn cợt: Công trình Cát Linh – Hà Đông đạt rất nhiều cái nhất, đắt nhất, lâu nhất, chậm nhất, ít người đi nhất,… và cái nhất mới nhất là: TÍNH BẢO MẬT CAO NHẤT!

Ảnh: hành khách ngồi chờ trên tàu hoàn toàn không biết rằng mình đang được làm chuột bạch để thí nghiệm tình huống sự cố

Bởi vì ngay cả Tổng giám đốc Metro Hà Nội cũng không biết gì về… diễn tập !

Tuy nhiên chuyện chưa ngừng ở đó, phân tích hay – dở, thiệt – hơn của công chúng sau đợt… “diễn tập sự cố” chiều 7/12/2021 như vừa trích dẫn một phần rất nhỏ chẳng khác gì “nước đổ đầu vịt” cho nên, cách nay vài ngày, Giám đốc Metro Hà Nội mới mạnh miệng khẳng định, rằng giới hữu trách đã quyết định sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động “diễn tập sự cố” và không thông báo trước trong cả năm nữa như đã dẫn!

Chẳng phải chỉ có người sử dụng mạng xã hội phản ứng gay gắt mà độc giả của các cơ quan truyền thông chính thức cũng chỉ trích kịch liệt.

Ví dụ song hành với tường thuật Khách đi tàu Cát Linh không được báo trước ‘sự cố diễn tập’ của VnExpress là phản hồi của hơn 300 độc giả.

Có những độc giả ở ngoại quốc như MK Se7en cho biết “đi metro mòn gót”, hay như Muc Dinh “dùng metro suốt 20 năm ở Pháp”,… cùng khẳng định: Chưa bao giờ thấy tổ chức diễn tập kiểu này!

Cũng có những độc giả như Tuanhn.vpb nhấn mạnh: Chẳng có nơi nào trên thế giới lôi hành khách ra diễn tập khi không có sự đồng ý của họ.

Ảnh: cuộc diễn tập sự cố trước khi vận hành chính thức

Hành khách mua vé là để thụ hưởng dịch vụ, chứ không phải để đóng thế cho các cuộc diễn, thử nghiệm.

Giống như cách nay mười ngày, lúc đoàn tàu sắt trên cao bất động ở ga Cát Linh rồi được giải thích đó là… “diễn tập sự cố”, khuấy động dư luận trên mạng xã hội.

Tuần này, vài trăm độc giả của VnExpress thắc mắc về việc ai, nơi nào sẽ gánh trách nhiệm nếu hành khách vô tình dính vào “diễn tập sự cố” mà trễ giờ học, lỡ buổi thi, đi làm trễ, đột quị hay bị thương do hoảng loạn?..

Không ít người như baoloc 831992, Tuan Le,… công khai bày tỏ sự bất bình vì kiểu tư duy, lối hành xử coi thường dân chúng: Bỏ tiền ra mua dịch vụ rồi để các anh dùng, đem ra diễn tập à? Đây là dùng Thượng đế làm… chuột bạch – khó thế mà cũng nghĩ ra được!..

Từ Berlin, Cộng hòa liên bang Đức, kiến trúc sư Lê Quang đưa ra bình luận trên Facebook cá nhân như sau:

Diễn tập hạ tầng dân sự là hoạt động đòi hỏi chuẩn bị chứ không phải là yếu tố bất ngờ. Nó không thể so sánh với diễn tập PCCC trong tòa nhà cao tầng hay các phương tiện vận chuyển chuyên dụng bởi một lý do cơ bản nhất là ”đối tượng sử dụng”.

Diễn tập không phải là trò chơi của học sinh hạnh kiểm tốt . Diễn tập trên hạ tầng giao thông là đặt rủi ro có thực lên đối tượng diễn tập, những rủi ro ấy không phải là rủi ro của sự ”diễn” mà là rủi ro trong quá trình ”diễn”. Ví dụ, một người bị cao huyết áp có thể hoảng loạn hay ngất đi trong diễn tập không báo trước bởi vì thể chất và tâm thần của họ không được chuẩn bị để thực hiện màn biểu diễn ấy. Một người mắc chứng sợ độ cao thì có thể không bao giờ vượt qua được quá trình diễn tập giải cứu, một cụ già 97 tuổi ngồi xe lăn thậm chí còn không thể đi qua nổi 1 bậc cầu thang.

Do đó, diễn tập là cần thiết nhưng sự thông báo trước trong quá trình diễn tập là bắt buộc.

Ở châu Âu, mọi sự thông báo phải diễn ra cả tuần trước diễn tập, phải có người có chuyên môn giải thích rằng điều đó sẽ diễn ra như thế nào, vào giờ nào, phải có lưu tâm đến tình trạng thể chất và độ tuổi của người tham gia và trên hết là quá trình thực hiện điều đó thì phải được công bố . Ví dụ như thoát hiểm ở khu vực nào, tiếp cận thang nào, đập vỡ phần kính nào, khi chạy ra ngoài thì tập trung ở đâu, thăm khám xử lý chấn thương (nếu có) tại các trạm y tế nào, điểm danh nhân sự tham gia trước và sau diễn tập như thế nào. Xin lưu ý rằng đó là một quá trình đòi hỏi sự chuẩn bị từ mọi phía chứ không phải là một quá trình nhằm gây bất ngờ như một phần của ”nghiệp vụ”.

Điều này thậm chí có thể diễn ra đơn giản hơn rất nhiều, ví dụ như có nhân viên trực trên tàu hàng ngày hướng dẫn hành khách một cách trực quan, qua video (như trên máy bay dân dụng chẳng hạn) chứ không phải là cứ đem tất thảy đối tượng sử dụng ra để ”diễn”. Một thanh niên trẻ khỏe 30 tuổi có thể không có vấn đề gì với diễn tập bất ngờ nhưng một em bé 0.3 tuổi thì có thể không phản ứng được trong tình trạng nhốn nháo mà không có sự chuẩn bị.

Việc tham gia phương tiện giao thông công cộng của đối tượng dân sự không bao giờ được coi là diễn tập ”nghiệp vụ”, bởi vì ta không bao giờ biết được cá nhân ấy, tập thể ấy là những người như thế nào, năng lực vận động thể chất, nghe, nhìn ra sao. Hiển nhiên rằng trước đó họ phải được thông báo và đăng ký tham gia.

Ở nước ngoài, ngay cả một cuộc bãi công của nhân viên giao thông công cộng cũng phải được báo trước cả tuần lễ. chứ đừng nói gì tới sự diễn tập một tình huống. Tình huống ấy là gì, phân loại nó ra sao, cấp độ A,B,C,D? tất cả phải được thông báo và giải thích trước khi ra tới hiện trường và không có lí do gì để bỏ qua những bước ấy.”

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Nhân quyền Việt Nam: Tại sao phương Tây và Mỹ ‘mềm mỏng’ với Hà Nội?

>>> Việt Nam giữ các kỷ lục về bỏ tù nhà báo trong năm 2021

>>> Vì sao đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm gây kinh ngạc, khó hiểu?

Việt Nam kết án nhà hoạt động: Liên Hợp Quốc và ngoại giao bốn nước G7 bất bình


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT