Chủ tịch Triều tiên Kim Jong-un đã giám sát vụ bắn thử tên lửa đạn đạo lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên trong một đoạn video theo phong cách Hollywood được công bố ngày hôm nay.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên sải bước trong chiếc áo khoác da sang trọng và đeo kính râm trước vũ khí khổng lồ hệt như một cảnh phim trong Top Gun.
Đi cùng với những chỉ huy quân đội, ông Kim đích thân bật đèn xanh cho việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khổng lồ mới có khả năng tấn công các mục tiêu toàn cầu.
Đoạn video bóng bẩy trên phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên cho thấy Kim đang kiểm tra chiếc đồng hồ ưa thích của mình trước khi tháo kính râm để tạo ấn tượng trong khi phê duyệt buổi thử nghiệm.
Được biết đến với cái tên Hwasong-17, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khổng lồ lần đầu tiên được trình làng vào tháng 10 năm 2020 và được giới phân tích mệnh danh là “tên lửa quái vật”.
Nó chưa từng được phóng thử trước đây và vụ phóng đã gây ra sự phẫn nộ ngay lập tức từ các nước láng giềng của Bình Nhưỡng và Hoa Kỳ.
“Tên lửa, được phóng tại Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng, bay tới độ cao tối đa 6.248,5 km và bay quãng đường 1.090 km trong 4.052 giây trước khi đánh chính xác vào khu vực định sẵn trên vùng biển mở” ở Biển Nhật Bản, Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết.
Ông Kim đã ra lệnh thử nghiệm vì “căng thẳng quân sự leo thang hàng ngày trong và xung quanh bán đảo Triều Tiên” và “không thể tránh khỏi của cuộc đối đầu lâu dài với đế quốc Mỹ kèm theo nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân”.
Vụ phóng hôm thứ Năm là lần đầu tiên Bình Nhưỡng bắn tên lửa mạnh nhất của Kim Jong-un kể từ năm 2017.
Quân đội Hàn Quốc ước tính tầm bắn của vụ phóng hôm thứ Năm là 6.200 km, xa hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cuối cùng, Hwasong-15 mà Triều Tiên đã thử nghiệm vào tháng 11/2017.
Các nhà phân tích suy đoán rằng Hwasong-17 được thiết kế để mang nhiều đầu đạn và mồi nhử nhằm xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa tốt hơn.
Tên lửa hạ cánh trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản khiến Tokyo tức giận, nhưng Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết vụ phóng thử tên lửa đã được thực hiện “ở chế độ phóng thẳng đứng” để giảm bớt lo ngại về an ninh của các nước láng giềng.
Sau vụ phóng thử tên lửa hôm thứ Năm, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga và Triều Tiên, những người bị cáo buộc “chuyển giao các mặt hàng nhạy cảm cho chương trình tên lửa của Triều Tiên”.
Các nhà phân tích Mỹ đã lo lắng về mối đe dọa tiềm tàng đi kèm với vụ phóng tên lửa.
Nhà phân tích Ankit Panda có trụ sở đặt tại Mỹ cho biết vụ phóng thử tên lửa là một dấu hiệu rõ ràng Triều Tiên đã đạt được “tiến bộ quan trọng về chất lượng” đối với các chương trình vũ khí bị cấm.
Ông nói với AFP: “Điều quan trọng về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) này không phải là nó có thể đi bao xa mà là khả năng mang theo nhiều đầu đạn”, điều mà Triều Tiên đã thèm muốn từ lâu.
“Triều Tiên hiện tại đang trên đà gia tăng đáng kể mối đe dọa đối với Hoa Kỳ trên cả khả năng của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đã được cho thấy vào năm 2017.”
Công nghệ tiên tiến này có thể giúp tên lửa Triều Tiên né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Các vụ thử hạt nhân và tầm xa đã bị tạm dừng khi ông Kim và tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump tham gia vào một cuộc ngoại giao đổ vỡ vào năm 2019 và các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ đó.
Vụ phóng Hwasong-17 được coi là thông điệp “sẵn sàng đối đầu” mà Triều Tiên gửi tới Mỹ, khi Bình Nhưỡng dường như nhận ra Washington khó có thể tung ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn.
Các lệnh trừng phạt Triều Tiên mà Mỹ trình ra Liên Hợp Quốc nhiều khả năng sẽ không nhận được sự ủng hộ từ Nga và Trung Quốc, sau những căng thẳng gần đây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Nguyễn Hùng – Thoibao.de tổng hợp