Link Video: https://youtu.be/wwkHt_pxcsk
Doanh nghiệp có 3 kênh huy động vốn, đó là: trái phiếu, cổ phiếu và tín dụng. Nhưng hiện nay, cả 3 kênh này đều bị tắc nghẽn. Vấn đề nằm ở đâu?
Dòng chảy vốn bắt đầu tắc nghẽn từ kênh trái phiếu. Năm 2022 là năm đáo hạn của những trái phiếu kỳ hạn 3-4 năm, nghĩa là những trái phiếu phát hành vào năm 2018-2019. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ phát hành trái phiếu mới để thanh toán các trái phiếu đến hạn. Nhưng năm nay lại không thể làm như vậy. Nguyên nhân là do những biến động từ đầu năm đến nay, bắt đầu từ vụ FLC.
FLC đã huy động được 1.150 tỷ đồng tiền trái phiếu ngay trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vào cuối tháng 3/2022. Mà tội của ông Quyết chính là “hành vi thao túng thị trường chứng khoán”. Điều này làm cho các nhà đầu tư chứng khoán và trái phiếu hoảng sợ. Những người đã lỡ mua trái phiếu và cổ phiếu của FLC thì cay đắng. Tiếp sau đó là vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh và đỉnh điểm là vụ trái phiếu An Đông. Bên cạnh đó còn có những vụ lừa đảo lớn như vụ Shark Thuỷ, rồi cộng thêm sự biến động liên tục của tỷ giá USD… Tất cả những sự việc này làm thị trường trái phiếu, cổ phiếu rúng động và nhà đầu tư tìm mọi cách để rút tiền về, để bảo vệ tài sản của mình.
Hiện nay, hiệu ứng sụt giảm lòng tin đối với các doanh nghiệp đã lan từ bất động sản sang những ngành nghề khác. Nhà đầu tư đang hoảng loạn, dòng người đang kéo đến các doanh nghiệp đòi bán lại trái phiếu trước kỳ hạn.
Những doanh nghiệp uy tín chịu áp lực rất lớn phải mua lại trái phiếu trước hạn. Trong 9 tháng đầu năm, quy mô mua lại trái phiếu trước hạn tăng đột biến, với tổng là hơn 135.000 tỷ đồng. Tiền huy động từ kênh trái phiếu chỉ còn 100.000 tỷ đồng so với 700.000 tỷ đồng của năm ngoái, và càng về cuối năm thì quy mô càng thu hẹp. Sự tắc nghẽn này khiến ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn.
Với ngân hàng, khi vốn huy động từ trái phiếu giảm sẽ tác động làm giảm khả năng cho vay. Với doanh nghiệp bất động sản, khi không phát hành được trái phiếu và chứng khoán cũng tuột dốc, họ phải phụ thuộc nhiều hơn vào ngân hàng.
Năm nay, áp lực lạm phát lại tăng cao, tiền vốn chảy mạnh vào một ngành đồng nghĩa với việc những ngành khác phải bị thiếu hụt. Kết quả là nhóm doanh nghiệp sản xuất, thương mại cũng chung cảnh ngộ đói vốn, căng thẳng về thanh khoản. Nhiều doanh nghiệp phải rút tiền dự trữ gửi ngân hàng ra để sử dụng. Việc này lại càng đẩy ngân hàng vào thế thiếu vốn trầm trọng hơn. Vòng lặp này cứ tiếp tục và dẫn đến việc tất cả cùng thiếu vốn, cùng bế tắc.
Từ đầu năm nay, tiền ngân hàng huy động được thấp hơn hẳn tiền cho vay, dù lãi suất tiền gửi tăng liên tục. Theo quy định, các ngân hàng thương mại chỉ được cho vay theo tỷ lệ 85/100 so với vốn huy động được. Hiện nay, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động vốn của nhiều ngân hàng đã chạm trần. Điều này không chỉ dẫn đến vấn đề thanh khoản khó khăn, mà ngay cả vấn đề an toàn của ngân hàng cũng gặp nguy hiểm.
Áp lực trả lãi vay ngân hàng, áp lực thanh toán trái phiếu lại xảy ra đồng thời với tình trạng đứt gãy dòng tiền, thị trường chứng khoán sụp đổ, thị trường bất động sản đóng băng… các diễn biến diễn ra quá nhanh khiến doanh nghiệp không thể xoay xở kịp, cho dù một số doanh nghiệp không thiếu tài sản.
Để gỡ rối cho thị trường, việc bơm tiền là cách nhanh nhất nhưng chưa chắc đã hiệu quả và còn có tác hại trong dài hạn. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng nhiều trăm ngàn tỷ từ đầu năm đến nay, nhưng không thể làm thay đổi được cục diện. Các chuyên gia đánh giá rằng, giải pháp căn bản phải là khôi phục niềm tin đã mất của thị trường, của nhà đầu tư.
Trong cuộc họp với các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu hôm 23/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị các doanh nghiệp “bằng mọi cách phải giữ uy tín với nhà đầu tư trái phiếu”, thậm chí, phải bán cả tài sản.
Ông Phớc là chính khách, ông ngồi salon và ban hành “Thánh chỉ” thì rất dễ dàng. Nhưng trong tình trạng hiện nay, doanh nghiệp có muốn bán tài sản của họ để cứu vớt uy tín cũng không dễ dàng, vì bán cho ai mua?
Kim Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Trần Đại Quang và Nguyễn Bá Thanh đã đi đâu trước khi ngã bệnh? Ông Lê Văn Thành có lặp lại?
>>> Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói “Tau khỏe có chi mô” rồi chỉ đạo công việc?
Sinh viên Trung Quốc xuống đường – phân tích từ góc độ phương pháp và chiến lược