Bộ Kinh tế Liên bang ngày càng coi Bắc Kinh là đối thủ thay vì là đối tác. Theo một tài liệu của Bộ, các công ty Đức giao dịch với Trung Quốc do đó phải chuẩn bị cho các hạn chế. Thay vào đó, họ nên mở ra các thị trường bán hàng khác.
Bộ Kinh tế đang lên kế hoạch có nhiều hạn chế đối với các công ty Đức kinh doanh tại Trung Quốc và loại trừ các nhà cung cấp từ các quốc gia độc tài khỏi các cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong một tài liệu dài 104 trang thuộc loại mật của Bộ Kinh tế và có hãng tin Reuters đã có, sự hỗ trợ trước đây của chính phủ Đức đối với các công ty Đức ở Trung Quốc cũng bị đặt thành câu hỏi nghi vấn. “Hướng dẫn chính sách về Trung Quốc phát hành nội bộ” ngày 24 tháng 11 kêu gọi giảm đáng kể sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ít nhất một sự tách rời hoàn toàn khỏi đối tác thương mại lớn nhất của Đức bị bác bỏ. Thay vào đó, các công ty Đức nên được hỗ trợ nhiều hơn trong kinh doanh với các nước khác, ví dụ như thông qua bảo lãnh xuất khẩu của nhà nước. Văn bản của Bộ Kinh tế do Robert Habeck đứng đầu nghe giống như một lời chỉ trích về chuyến đi gần đây của Thủ tướng Olaf Scholz tới Bắc Kinh với những người đứng đầu các công ty. Ví dụ, một khuyến nghị cho hành động kêu gọi “xem xét việc các đại diện cấp cao của chính phủ liên bang hỗ trợ các dự án ở Trung Quốc”. Sự hỗ trợ chỉ nên được thực hiện nếu “có thể chứng minh được tác động tích cực đối với Đức”.
Đối với các công ty đặc biệt tích cực hoạt động ở Trung Quốc, họ bắt buộc phải báo cáo nhiều vấn đề cho chính phủ liên bang về hoạt động kinh doanh của họ. Ngoài ra cũng phải kiểm tra những tình huống khó khăn đối với các công ty này. Kịch bản tham chiếu phải là “sự mô phỏng về sự mất mát của hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc hoặc nguồn cung cấp từ Trung Quốc”. Vẫn chưa rõ hậu quả đối với các công ty này sẽ ra sao. Trong trường hợp các công nghệ và cơ sở hạ tầng quan trọng, văn bản đề xuất loại trừ “các nhà cung cấp sản phẩm cuối cùng, trung gian và sơ bộ từ các nước thứ ba được quản lý chuyên quyền”. Điều này thậm chí nên áp dụng cho các nhà cung cấp từ các quốc gia khác sử dụng các sản phẩm đó. Các thành phần CNTT được đưa ra làm ví dụ.
Lo sợ sáp nhập Đài Loan
Trong các cuộc đấu thầu cho các dự án đặc biệt quan trọng của châu Âu, chẳng hạn như trong lĩnh vực bán dẫn, cũng cần kiểm tra xem có thể loại trừ các công ty nước thứ ba hoặc một số thành phần nhất định hay không. Bộ cũng ủng hộ việc xem xét lại các khoản đầu tư của các công ty Đức vào các công ty Trung Quốc nếu chúng “thuộc về các khu vực liên quan đến an ninh hoặc khu liên hợp công nghiệp-quân sự hoặc có liên quan đến vi phạm nhân quyền”.
Sự phát triển của Trung Quốc được mô tả là rất có vấn đề. Tài liệu lưu ý tới các vi phạm nhân quyền và chính sách đối nội siết chặt hơn. “Thực tế là mối quan hệ với Trung Quốc đang chuyển sang hướng cạnh tranh có hệ thống, ít nhất được chứng minh bởi thái độ thân Nga của Trung Quốc đối với cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine” Văn kiện ám chỉ tới quan điểm ở Đức và EU , theo đó Trung Quốc là đối tác, đối thủ cạnh tranh và địch thủ.
“Trung Quốc từ chối lên án Nga về vụ tấn công Ukraine, đổ lỗi cho phương Tây về cuộc chiến và rõ ràng vẫn để ngỏ lựa chọn sáp nhập Đài Loan”, văn kiện viết. Người ta cũng lưu ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ám chỉ rằng ông muốn hợp nhất Đài Loan dân chủ, vốn được coi là một tỉnh ly khai, trong khi ông còn sống. Ông cũng không loại trừ việc sử dụng vũ lực. Các tác giả chỉ ra rằng năm 2027, năm thứ 100 ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân, được nhắc đi nhắc lại như một mốc thời gian quan trọng. Do sự phát triển này, Bộ Kinh tế muốn tách dần một phần khỏi Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao cũng có chiến lược Trung Quốc
Văn bản lập luận: “Trong mối quan hệ song phương được đặc trưng bởi sự cạnh tranh hệ thống ngày càng tăng và căng thẳng địa chính trị gia tăng, mối quan hệ kinh tế chặt chẽ và sự phụ thuộc từng phần vào Trung Quốc đặt ra rủi ro ngày càng tăng đối với quyền tự do hành động chính trị của Đức và EU.” Do đó, chính sách cần được điều chỉnh “đúng lúc và dứt khoát”. Tầm quan trọng to lớn của Trung Quốc với tư cách là thị trường bán hàng cho một số ngành công nghiệp và sự phụ thuộc của Đức trong một số lĩnh vực kinh tế hoặc công nghệ nhất định được xem xét một cách nghiêm túc.
Văn kiện lưu ý tới công nghệ Trung Quốc trong lĩnh vực truyền thông di động. Đức có thể bị bắt bí trong trường hợp xảy ra xung đột, điều này “có thể dẫn đến việc hạn chế khả năng hành động chính trị của nước này”. Văn kiện nêu rõ, lợi ích cơ bản trong trao đổi kinh tế với Trung Quốc vẫn còn, vì vậy, “không có ý định tách rời toàn diện “ khỏi Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Liên bang cũng đưa ra một chiến lược Trung Quốc được đặc trưng bởi quan điểm chỉ trích tương tự đối với chế độ cộng sản ở Bắc Kinh. Các văn kiện của Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock và Habeck vẫn chưa được thỏa thuận trong chính phủ liên bang. Trước hết, Thủ tướng có thể sẽ phản đối, ngay cả khi Thủ tướng Scholz ủng hộ rõ ràng việc đa dạng hóa và nỗ lực để trở nên độc lập hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây nhất, có sự bất đồng giữa Văn phòng Thủ tướng và các Bộ do Đảng Xanh và FDP điều hành khi công ty vận tải nhà nước Trung Quốc Cosco gia nhập một công ty điều hành tại một nhà ga ở cảng Hamburg.
Lê Anh – Thoibao.de