Link Video: https://youtu.be/4ZXYma4SBjg
Ngày 26/12, tại một cuộc họp báo chuyên đề, bà Nguyễn Thị Phố Giang – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dự trữ Nhà nước đã cho biết, dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đủ dùng trong 7 ngày, và lượng xăng dầu này được gửi chung vào kho lưu trữ xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối.
Thông tin này không mới, nó đã từng được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề cập đến trong phiên chất vấn trước Quốc hội vào ngày 16/3. Tại kỳ họp này, Ông Diên nói rằng, dự trữ xăng dầu quốc gia rất ít và chỉ có thể sử dụng trong tình huống khẩn cấp.
Theo Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu, việc dự trữ, lưu thông hàng hóa thuộc về trách nhiệm của các doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp sản xuất. Họ phải dự trữ đủ để cung ứng xăng dầu cho ít nhất là 20 ngày. Nhưng trên thực tế, Bộ trưởng Bộ Công thương nói rằng, các doanh nghiệp đầu mối có dự trữ đủ lượng xăng dầu bắt buộc hay không là “ẩn số”, vì dự trữ nhà nước và dự trữ doanh nghiệp cùng chứa chung trong một kho, nên không thể nào tách bạch hai nguồn này để kiểm tra được.
Câu chuyện an ninh năng lượng quốc gia mà Bộ Công thương trình bày nghe như chuyện của các bà nội trợ, nhà bà A thiếu kho chứa củi thì đem qua gửi nhờ nhà bà B có kho rộng rãi hơn. Chuyện thật cứ như đùa.
Câu hỏi đặt ra là, vai trò quản lý nhà nước của Bộ Công thương, của Chính phủ để ở đâu? Nguồn dự trữ quốc gia có bị các doanh nghiệp đầu mối lạm dụng không? Làm sao để kiểm soát?
Xăng dầu là mặt hàng sử dụng trong hầu hết các ngành sản xuất và tiêu dùng, nó là huyết mạch của nền kinh tế. Nếu thiếu xăng dầu, mọi hoạt động trong xã hội đều bị đình trệ và rối loạn. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đều có dự trữ xăng dầu. Nhưng, dễ dàng nhận thấy, mức dự trữ xăng dầu của Việt Nam là quá thấp, nhất là trong bối cảnh kinh tế – chính trị thế giới đang có nhiều biến động hiện nay.
Tất nhiên, với lượng dự trữ xăng dầu ít như vậy, Chính phủ không thể nào điều hành được khi xảy ra sự cố. Thực tế đã chứng minh, trong suốt mấy tháng thiếu hụt xăng dầu, Chính phủ và Bộ Công thương loay hoay như gà mắc tóc, họp hành chỉ đạo đủ kiểu nhưng mãi mới tạm ổn định được. Cho đến nay, tình trạng thiếu xăng dầu tuy không còn trầm trọng như trước, nhưng vẫn xảy ra cục bộ ở một vài tỉnh xung quanh Sài Gòn.
Cũng chính vì dự trữ xăng dầu quốc gia quá thấp, dự trữ của doanh nghiệp thì không kiểm soát được, nên khi có biến động trên thị trường hoặc có bất ổn về nguồn cung thì nhà nước không thể giải quyết nổi.
Từ đầu năm 2022, nguồn cung xăng dầu bất ổn, thường xuyên bị gián đoạn, giá cả thì biến động mạnh, chi phí vận chuyển xăng dầu tăng cao… dẫn đến ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Hơn nữa, mức chiết khấu theo quy định của Bộ Tài chính quá thấp, dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ, hạn chế nguồn vốn lưu động. Vì vậy, một số doanh nghiệp đã ngừng bán xăng.
Đa số các doanh nghiệp cho rằng, việc kinh doanh thua lỗ, nguồn hàng đứt đoạn là do chính sách điều hành yếu kém, không linh hoạt, không theo kịp những biến động của thị trường. Một lý do nữa mà chính quyền Cộng sản không thừa nhận, đó là dự trữ ngoại tệ đã rất thấp, không đủ để cung cấp cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Điều này thể hiện trong 8 giải pháp mà Bộ Công thương đưa ra vào hồi tháng 10, trong đó có đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn vốn ngoại tệ…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước phải bỏ tiền để đầu tư xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia riêng biệt, và lượng dự trữ phải tăng lên ở mức 90 ngày mới bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Nhưng đến nay, đã 8 tháng trôi qua kể từ kỳ họp Quốc hội vào tháng 3, nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi. Như vậy, hoặc là sức ỳ của Chính phủ quá lớn, hoặc là không có ngoại tệ nên không thể giải quyết vấn đề.
Nguyễn Trí – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Ông Thích Nhật Từ bị kiện và chính sách “dùng tôn giáo để diệt tôn giáo”
>>> Bão chính trường: Quan này cười nụ quan kia khóc thầm
>>> VF8 và con đường đến với danh hiệu “trùm tai tiếng”
Sốc! Ăn đậm hưởng án nhẹ được dùng làm “tấm gương giáo dục”, xã hội thời mạt pháp