Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, việc tiếp tục duy trì nền kinh tế bao cấp tập trung đã không còn phù hợp nữa, các nước Cộng sản còn sót lại như Việt Nam và Trung Quốc buộc phải đi tìm hướng đi mới để tồn tại và phát triển. Nhưng khi mở cửa để phát triển kinh tế thì nguy cơ bị các giá trị tự do dân chủ của văn hóa phương Tây tràn vào thống lĩnh. Từ đó, Đảng Cộng sản có nguy cơ bị mất thế độc quyền lãnh đạo, và tất nhiên, các Đảng Cộng sản khó mà chấp nhận được điều này. Cũng từ đó, đã xuất hiện khái niệm “bảo tồn văn hóa”.
Chiến tranh lạnh kết thúc, sự thù địch giữa hai hệ thống chính trị đối lập cũng kết thúc. Chủ nghĩa tư bản chiếm được ưu thế và hình thành trật tự thế giới mới. Lúc đó, các nhà tư tưởng phương Tây cho rằng, hệ tư tưởng tự do phương Tây đã đánh bại tất cả các hệ tư tưởng khác và thể chế tự do phương Tây có thể trở thành “hình thức cai trị chính trị cuối cùng trên toàn thế giới”.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, sự thành công của mô hình cải cách và mở cửa kinh tế, từng được xem là “kiểu mẫu” của Trung Quốc, là do tư tưởng thực dụng của họ.
Thực tế cho thấy, quan điểm của giới lãnh đạo và các nhà tư tưởng phương Tây thời hậu chiến tranh lạnh đã không chuẩn xác. Vì Trung Quốc đã sử dụng việc “bảo tồn văn hóa” để bảo vệ chế độ chính trị hà khắc của mình.
Phân tích về đề tài này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ – nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư, đã có một bài bình luận đăng trên RFA ngày 1/1/2023. Bài viết có tựa đề “Đảng với chính sách “bảo tồn văn hóa” để củng cố quyền lãnh đạo theo mô hình “Chủ nghĩa tân bảo thủ””.
Theo Tiến sỹ Thọ, việc bảo tồn văn hóa nhằm khẳng định “chủ quyền văn hóa”, khẳng định, quyền lực nhà nước gắn với “chủ quyền chính trị” của Đảng Cộng sản. Chính sách bảo tồn văn hóa đặc biệt quan trọng với các chế độ mang ý thức hệ Cộng sản, nhưng đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa, điển hình là Trung Quốc.
Cũng theo Tiến sỹ Thọ, ở Trung Quốc, chủ quyền văn hóa được nâng tầm lý luận và thực hành, mà ông Vương Hộ Ninh là người đóng một vai trò quan trọng. Ông Vương được xem là “nhà lý luận cung đình” từng là “quân sư” cho 3 đời Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giúp Trung Quốc thực thi công nghệ chính trị đặc biệt này. Ông Vương có nhiều bài luận được xem là giá trị cốt lõi để tạo ra “phiên bản lý thuyết hiện đại hóa dành riêng cho Trung Quốc”. Với cách tiếp cận mới này, “chủ nghĩa độc tài mới” hay còn gọi là “chủ nghĩa tân bảo thủ” ra đời. Với trào lưu tư tưởng này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thiết lập một nhà nước hùng mạnh để cải tạo thị trường.
Việt Nam là một phiên bản của mô hình Trung Quốc. Sau thời kỳ bất ổn về kinh tế vĩ mô và thể chế, sau khi mất phương hướng do sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu, Việt Nam chọn đi theo “chủ nghĩa tân bảo thủ” của Trung Quốc. Nhất là từ sau khi ông Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền, ông chủ trương xây dựng mô hình Đảng – Nhà nước mạnh, theo đuổi tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ thị trường và dùng “bảo tồn văn hóa” để củng cố “chủ quyền chính trị” của Đảng, sử dụng tư tưởng của Chủ nghĩa Marx – Lenin để chống lại sự bành trướng của các giá trị phương Tây.
Sau khi phe “thân Tàu” giành được toàn thắng trước phe “thân Tây” trong Đại hội 13 của Đảng Cộng sản và năm 2021, Đảng Cộng sản Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách để củng cố quyền lực, trong đó có chính sách “bảo tồn văn hóa”, coi đây là sự cấp thiết để bảo vệ Đảng. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng 13, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “văn hóa còn thì dân tộc còn” và yêu cầu nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Và rất rõ ràng, Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện những động thái “quyết đoán chưa từng có” nhằm củng cố mô hình chính trị mới. Như thúc đẩy đầu tư công, tuyên truyền rầm rộ về tỷ lệ tăng trưởng cao hơn 8% trong khi thế giới suy thoái, bắt giữ các đại gia làm rối loạn thị trường và các quan tham… Tuy nhiên, Việt Nam liệu có tránh được những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt không?
Ở Trung Quốc, mô hình chính trị mới đã gặp thách thức từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012. Trung Quốc trỗi dậy quá nhanh và quá hung hăng làm cho thế giới phải dè chừng, chiến lược Zero-Covid, chiến lược vacxin đã làm cho kinh tế suy thoái và bất ổn gia tăng. Mô hình Việt Nam cũng đang bộc lộ những nhược điểm chết người, thể hiện rõ qua tình trạng bất ổn của thị trường tài chính và sự lũng đoạn của các phe nhóm lợi ích đang bị phanh phui.
Trước những thách thức này, Trung Quốc sẽ ứng xử như thế nào và Việt Nam sẽ học tập ra sao, những điều này cần thời gian để kiểm chứng.
Thu Phương -Thoibao.de (Tổng hợp)