Sau chuyến thăm Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng mạnh tay dọn chướng ngại

Ngày 6/1/2023, phóng viên Tomoya Onishi của tờ báo tiếng Anh Nikkei Asia tại Nhật Bản, đã có một bài bình về việc Việt Nam miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng. Bài báo có tựa đề tạm dịch là “Ông Trọng củng cố quyền lực qua việc miễn nhiệm hai Phó Thủ tướng Việt Nam”.

Nội dung bài báo mô tả về việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng củng cố quyền lực dưới hình thức chống tham nhũng, sau cuộc gặp với Tập Cận Bình. Hai Phó Thủ tướng, ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã bị bãi nhiệm.

Bài báo trên tờ báo Nikkei Asia

Bài báo cho hay, một nguồn tin ngoại giao đã tỏ ra ngạc nhiên khi 2 Phó Thủ tướng này bị sa thải, bởi “hình ảnh của họ khá trong sạch” và “họ được lòng dân”.

Bài báo dẫn lời một nhà phân tích chính trị ở TP. HCM – ông Đặng Tâm Chánh, cho hay, ông Trọng đang củng cố thêm quyền lực của mình, mặc dù ông đã “gần như hội tụ quyền lực thực sự của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, hệ thống tư pháp và giám sát”.

Đồng thời với việc chống tham nhũng, ông Trọng cũng đang tìm người kế vị.

ông Nguyễn Phú Trọng

Bài báo cũng đề cập đến ý kiến của ông Carlyle Thayer, Giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales Úc. Ông Carlyle Thayer cho rằng, “ông Trọng đã không đưa được người thân cận của mình là Trần Quốc Vượng làm lãnh đạo Đảng tiếp theo tại Đại hội 13 của Đảng hồi 2021”.

Giáo sư Thayer dự đoán, “ông Trọng sẽ lặng lẽ vận động các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các quan chức cấp cao khác của Đảng về người kế nhiệm ông”. Và ông Trọng “biết rằng, tham nhũng trong Đảng là mối đe dọa lớn đối với tính chính đáng của Đảng đề cai trị Việt Nam”.

Quyền lực của ông Trọng hiện nay là không thể lay chuyển được.

Bài báo cũng dẫn lời Giáo sư Alex Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Honolulu, Mỹ, cho biết: “Khả năng lớn là ông Trọng sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến khi tình trạng sức khỏe của ông không cho phép. Mặc dù ông ta có thể đã tạo ra rất nhiều kẻ thù, nhưng dường như không có nhà lãnh đạo nào khác có thể có được sự ủng hộ của đa số ủy viên Trung ương. Với tình hình này, ông Trọng vẫn là sự lựa chọn mặc định.

Đề cập đến một số nguồn tin trong nội bộ Đảng Cộng sản đã cung cấp thông tin cho Nikkei, bài báo dẫn nguồn này nói rằng, ông Trọng có thể có những động cơ thầm kín đằng sau nỗ lực chống tham nhũng. Nguồn tin này cho rằng, ông Phạm Bình Minh có tham vọng làm Thủ tướng hoặc Chủ tịch nước, nhưng ông Trọng không chấp nhận các nhóm “kiểu phương Tây”.

ông Phạm Bình Minh

Nguồn tin nội bộ này cho biết thêm, “ông Trọng bị Tập Cận Bình gây sức ép, nhằm hạn chế ảnh hưởng của phe ủng hộ phương Tây, và tên của Phạm Bình Minh đã được đề cập trực tiếp”.

Bài báo đánh giá, bất chấp việc 2 Phó Thủ tướng bị cách chức, nhiều người tin rằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể tồn tại vượt qua nỗ lực chống tham nhũng của ông Trọng, cho dù ông phải chịu thêm áp lực.

Như vậy, cho đến nay, hơn 1 tuần kể từ ngày 2 ông Phó Thủ tướng bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cách chức, đã có rất nhiều nguồn tin xác nhận rằng, viêc 2 ông Phó Thủ tướng bị cách chức là do “yếu tố Trung Quốc”, còn việc chống tham nhũng chỉ là cái cớ.

Chuyện xử lý lãnh đạo cấp cao vì quan điểm chính trị đã từng xảy ra rất nhiều lần trong quá khứ. Từ thập niên 1960, đã có những cái chết vô cùng bí ẩn. Ví dụ như cái chết của ông Dương Bạch Mai, ngay trước khi ông chuẩn bị đăng đàn Quốc hội để chất vấn Đảng về đường lối xây dựng xã hội kiểu trại lính theo mô hình Mao Trạch Đông, vào năm 1964.

Hay vụ án xét lại nổi tiếng một thời, những người đồng chí đã xử lý nhau không thương tiếc.

Hay gần hơn là trường hợp ông Đinh La Thăng, một người cũng bị đồn đoán là bị Đảng xử lý vì “chống Trung Quốc”.

 

Quang Minh – thoibao.de (Tổng hợp)