“Mô hình thể chế độc tài tạo ra rất nhiều “căn bệnh” xã hội, khiến cho cái xã hội ấy, quốc gia ấy khó mà phát triển lành mạnh được. Những “căn bệnh” thường gặp trong mọi xã hội có một thể chế độc tài là bệnh tham nhũng, dối trá, hèn nhát, mất lòng tin vào chính phủ – vào luật pháp – vào con người, là cái Thiện, cái Đẹp, sự tử tế thì ngày càng trở nên hiếm hoi trong khi cái Ác, cái Xấu, sự không tử tế thì tràn lan như cỏ dại và ngày càng trở thành bình thường…”
Đó là phần mở đầu của bài viết “Thể chế độc tài tạo ra nhiều “căn bệnh” xã hội” của tác giả Song Chi, đăng trên trang Tiếng Dân ngày 11/1.
Trong bài viết này, tác giả Song Chi, một đạo diễn và cũng là một Việt Kiều sống tại Na Uy, đã phân tích về những căn bệnh CHUNG của tất cả các xã hội sống trong thể chế độc tài trên thế giới, và những cả căn bệnh RIÊNG đặc thù của xã hội Việt Nam dưới chế độ độc tài Cộng sản.
Căn bệnh CHUNG của các xã hội chịu ách cai trị độc tài ngoài tham nhũng, dối trá, mất lòng tin… như đã kể ở trên, thì còn sự thờ ơ vô cảm, không quan tâm đến cái chung của xã hội, không quan tâm đến vận mệnh quốc gia, không quan tâm đến chính trị. Lý do rất dễ hiểu, vì người dân được dạy rằng, chuyện đất nước, chuyện chính trị là chuyện của nhà cầm quyền, không liên quan đến người dân. Người dân không biết gì và không làm được gì. Ai quan tâm lên tiếng thì sẽ phải trả giá đắt, không chỉ bản thân người đó, mà đôi khi còn liên lụy đến cả người thân. Do đó, người dân chỉ muốn yên thân và buộc phải tuân phục chính quyền, phải làm lơ để mặc quan chức bòn rút tài nguyên, phá nát đất nước.
Ngoài những căn bệnh chung, theo tác giả Song Chi, xã hội Việt Nam còn có những căn bệnh RIÊNG, đó là “tự sướng”, là “nổ”, là “hám danh”…
Những căn bệnh riêng này cũng không hoàn toàn là đặc sản riêng của Việt Nam, mà nó cũng là sản phẩm của xã hội Trung Quốc, xã hội Nga…
Nghĩa là những xã hội Cộng sản hoặc cựu Cộng sản mà chưa chuyển đổi dân chủ. Đặc biệt, nằm kế cận bên “bạn vàng” Trung Quốc, chịu sự chi phối của Trung Quốc, xã hội Việt Nam khó tránh được việc nhập khẩu “rác văn hóa” từ Trung Quốc về.
Xã hội Trung Quốc trọng hình thức, trọng vật chất, thích khoe mẽ, hợm hĩnh, thô lỗ… Xã hội Việt Nam cũng y như vậy, là một bản sao ở mức độ thấp hơn.
Cứ thử lướt qua một chút những câu chuyện “ngôn tình” của Trung Quốc thì thấy, tất cả đều chỉ đề cao sức mạnh của vật chất, của đồng tiền, của cơ bắp và của thế lực. Người ta đánh giá nhau qua những bộ quần áo, những chiếc túi xách, xe ô tô, đồng hồ… Người ta hơn thua nhau qua bằng cấp, qua địa vị của bản thân và gia đình… Và nhiều thế lực, kể cả trong chính quyền và trong làm ăn, giành giật được nhờ sức mạnh của cơ bắp, của nắm đấm.
Có câu, văn học, cho dù là văn học rác, thì nó cũng phản ánh đời sống xã hội, nơi mà nền văn học đó ra đời. Quả thật vậy, “ngôn tình” Trung Quốc phản ánh chính xã hội tồi tệ của Trung Quốc.
Bản sao Việt Nam cũng tương tự, con người đánh giá nhau qua tiền tài, thế lực và bằng cấp. Chính vì vậy, để được coi trọng, người ta phải đua nhau kiếm tiền, đua nhau chạy bằng, chạy chức… Nếu chạy không được, đua không tới, thì phải “nổ”. Từ quan đến dân, từ truyền thông cho đến mạng xã hội, từ đại gia cho đến người buôn bán nhỏ lẻ… ai ai cũng “nổ”, làm thì ít mà “nổ” thì to.
Với chính quyền, họ “nổ” để che dấu thực chất của nền kinh tế, của tệ nạn xã hội. Họ khoe khoang thành tích để che lấp đi sự yếu kém của họ và sự khốn đốn của người dân. Trong một năm suy thoái kinh tế, hàng triệu người khốn khổ vì mất thu nhập, vậy mà họ có thể giương giương tự đắc khoe ra con số tăng trưởng GDP đến hơn 8% mà không hề thấy xấu hổ. Mặc kệ các chuyên gia phân tích về tính chân thực của các số liệu, mặc kệ thế giới cười nhạo, họ cứ “tự sướng”, tự vuốt ve niềm tự hào ảo tưởng đó.
Nhưng thực tế sẽ không nuông chiều họ, hậu quả của sự dối trá, sự ngu dốt đã và sẽ hiển hiện sớm thôi. Tuy nhiên, đám quan chức túi dày không hề hấn gì, họ đều đã xây dựng cơ sở ở bên ngoài biên giới, khi cần, họ sẽ thoát thân và vứt lại đám bầy hầy cho dân giải quyết.
Chỉ khi nào có được một nền dân chủ đích thực, chỉ khi nào người dân được mở miệng chỉ trích chính quyền, lúc đó xã hội Việt Nam mới có thể có được sự bình an và phát triển.
Xuân Hưng – thoibao.de (Tổng hợp)