Việt Nam mở rộng cản trở các nhóm xã hội dân sự được cấp phép

Link Video: https://youtu.be/KfRnD9W2CD8

Ngoài thành tích vi phạm nhân quyền tồi tệ trong năm 2022, báo cáo toàn cầu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 12/1/2023, cũng nêu lên việc Việt Nam đã leo thang khi bắt bỏ tù bốn người thuộc các tổ chức phi chính phủ. Ba nhà hoạt động bị bắt bao gồm, nhà báo Mai Phan Lợi, luật sư môi trường Đặng Đình Bách, nhà hoạt động truyền thông về môi trường Bạch Hùng Dương và nhà bảo vệ môi trường Ngụy Thị Khanh. Cả bốn người đều bị khởi tố tội “trốn thuế”.

Đáng chú ý, tội danh “trốn thuế” từng được các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng để bắt giam một số nhà hoạt động xã hội công khai chỉ trích Chính phủ trong những năm qua, như trường hợp Luật sư Lê Quốc Quân, blogger Điếu Cày Nguyễn văn Hải, nhà báo Trương Duy Nhất… Tuy vậy, chính quyền Hà Nội cho thấy, họ đã mở rộng phạm vi đàn áp khi nhắm vào những người từng hoạt động công khai với các dự án bền vững, có đăng ký với Nhà nước và được cộng đồng quốc tế hỗ trợ.

Phản ứng trước việc bắt giữ và khởi tố tội “trốn thuế” đối với nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) vào ngày 8/7/2021 đã ra thông cáo báo chí, nhận định rằng, đây “là biện pháp nhằm ngăn chặn tiến trình hình thành “Nhóm Tư vấn trong nước (DAG)”, bao gồm các nhóm xã hội dân sự độc lập theo quy định của Hiệp ước Mậu dịch Tự Do Liên Âu – Việt Nam (EVFTA).

Hình: Phúc trình nhân quyền Việt Nam của tổ chức Theo dõi Nhân quyền

Vào thời điểm bị bắt, ông Mai Phan Lợi là Chủ tịch “Hội đồng Khoa học Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC)”. Còn ông Đặng Đình Bách là Giám đốc “Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền Vững (LPSD)”.

Hai ông Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO – EVFTA, bao gồm bảy tổ chức xã hội dân sự thành lập vào tháng 11/2020. Mục đích của Mạng lưới VNGO – EVFTA được cho biết nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định Mậu dịch Tự do Liên Âu – Việt Nam (EVFTA), hình thành Nhóm Tư vấn trong nước (DAG) và các nhóm xã hội dân sự Việt Nam.

Trong khi đó, việc khởi tố bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID của nhà cầm quyền Cộng sản, bị cho là sự gia tăng đàn áp nhằm bịt miệng các nhà hoạt động về môi trường ở Việt Nam.

Bà Khanh là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng Môi trường Goldman, một giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho những nhà hoạt động môi trường cơ sở, và rất nổi tiếng trong giới hoạt động môi trường quốc tế. Bà đã có những đóng góp chuyên môn có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực chung, nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Hình: Thông cáo báo chí trên website của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam

Phản ứng trước việc bà Ngụy Thị Khanh bị bắt và khởi tố, hàng loạt các quốc tổ chức ngoại giao như: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ quán Vương quốc Anh, Đại sứ quán Thụy Sĩ, Tổng Lãnh sự quán Canada, cùng Tổ chức Mạng lưới Hành động Khí hậu (CAN) và 52 nhà hoạt động môi trường được trao Giải thưởng Môi trường Goldman, đã lên án việc làm này của chính quyền Việt Nam.

Báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng nhắc đến Nghị định 58/2022/NĐ-CP do Chính phủ Việt Nam đã công bố vào 31/8/2022. Nghị định có định nghĩa được coi là chung chung, với mục đích ngăn cản hoạt động của những tổ chức phi chính phủ đang có mặt ở Việt Nam, như “không phù hợp với lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật, xâm phạm quốc phòng, an ninh – trật tự xã hội, và trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam”…Tuy nhiên, Nghị định này lại không miêu tả cụ thể, mà chỉ đề cập đến các khái niệm từ ngữ hết sức đại khái. Thế nhưng, đó lại là căn cứ để cấm những tổ chức bị cho là vi phạm.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, trong bài viết trên website của tổ chức này ngày 12/1, cho biết: “Việc chính quyền Việt Nam đàn áp hàng loạt các nhà hoạt động nhân quyền và những người bất đồng chính kiến ​​đã mở rộng ra cả các nhà lãnh đạo môi trường chính thống và các nhóm quốc tế vào năm 2022. Do đó, ông kêu gọi “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam nên lên tiếng chống lại các hành vi lạm dụng quyền hành này của Chính phủ.”

Hình: Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID

Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Ngày phán xét đến nhanh, Chủ tịch Phúc khó “qua nổi con trăng này”

>>> “Chốt kèo”! 23 Ông Táo về trời thì 27 Ông Phúc cũng về vườn… ngay luôn

>>> Ngổn ngang Bộ Công an, nếu Tô Lâm ra đi, thế lực Trần Đại Quang có cơ hội trỗi dậy

Chính sách cứng nhắc của Trung Quốc khiến người dân phải trả giá