Link Video: https://youtu.be/LYT0R_jYzrc
Chiều ngày 4/2, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xuất hiện lần đầu trên mặt báo, sau cú “truất phế trước vạch đích” năm mới. Vụ truất phế ông Nguyễn Xuân Phúc vào những ngày cuối năm Nhâm dần là sự kiện chấn động nhất năm.
Lần này ông cựu Chủ tịch nước có mặt tại Văn phòng Chủ tịch nước để tham gia buổi lễ bàn giao công tác Chủ tịch nước cho quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Tại buổi lễ này ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng, nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, ông đã gương mẫu chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021. Vì một số cán bộ lãnh đạo dưới quyền vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19, nên ông làm đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác, nghỉ hưu. Được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội đồng ý cho thôi giữ các chức vụ.
Trước khi có lá đơn từ chức của Chủ tịch nước, nguồn tin nội bộ cho biết rằng, do bà Trần Thị Nguyệt Thu phu nhân của ông Nguyễn Xuân Phúc dính đến Việt Á nên ông bị ép phải viết đơn từ chức. Tuy nhiên việc ép ông Nguyễn Xuân Phúc viết đơn từ chức không phải dễ. Quá trình này kéo dài nhiều tháng, và kết quả mới có lá đơn trên.
Tại buổi lễ trao tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho ông Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 7/11/2022 tại Phủ Chủ tịch, ông Nguyễn Phú Trọng đã tránh mặt và cử ông Võ Văn Thưởng đi thay. Hành động này được giới quan sát cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng tránh mặt, bởi kẻ đánh tấn công ông Nguyễn Xuân Phúc khó mà gượng ép bản thân đến chúc tụng “con mồi” của mình.
Được biết, ngày 4/2, tại ngày lễ bàn giao công việc cho quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, ông Nguyễn Phú Trọng lại một lần nữa lánh mặt và người đi thay ông là ông Võ Văn Thưởng. Cũng khó cho ông Trọng, đã đánh người ta ngã ngựa mà nói lời chúc tụng thì quả là ngượng ngùng.
Dù ông Nguyễn Phú Trọng lánh mặt nhưng trong lời phát biểu, ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn phải tỏ sự trân trọng cảm ơn với Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, nhà nước, các cơ quan Trung ương, địa phương… đã hết sức ủng hộ, giúp đỡ để ông hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đây quả là nỗi đau của ông Nguyễn Xuân Phúc, khi ngã ngựa vẫn phải nói lời cảm ơn với người đã cắt đứt chân ngựa làm ông ngã đau. Tình thế của ông Nguyễn Xuân Phúc lúc này có thể nói không khác gì “cá nằm trên thớt”.
Đáng chú ý là, trong lời phát biểu của ông cựu Chủ tịch nước, ông nói rằng: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng“. Ngoài ra ông còn nói thêm rằng, ông tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư thì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển đất nước, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, dân chủ, giàu mạnh…
Thoibao.de có trao đổi với một nhà bình luận chính trị trong nước, người này cho biết rằng, đây là dấu hiệu đã có sự ngã giá. Trong lời ông Nguyễn Xuân Phúc nói “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á”, và ông khẳng định ý thứ hai “Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”. Như vậy là khả năng, để đổi lấy lá thư từ chức, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận bà Trần Thị Nguyệt Thu không dính đến.
Cho đến thời điểm này có thể thấy, ông Nguyễn Xuân Phúc đã hạ cánh đau nhưng tương đối an toàn. Vậy là ván bài đã ngửa hết, sự dàn xếp ai thắng ai bại đã xong. Kẻ thắng thu lại ghế chờ người khác, không “truy cùng diệt tận”. Đấy là ván cờ chính trị, khi đã ngã giá xong, công lý bị tống cổ ra ngoài không thương tiếc.
Đấy là những gì đã diễn ra. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng là người khó lường. Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận bà Trần Thị Nguyệt Thu không liên quan, chưa chắc gì là cam kết vĩnh viễn như thế. Ai biết, liệu sau đó ông Trọng có “lật kèo” hay không? Cần phải chờ.
Mai Hạnh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Dự đoán bức tranh toàn cảnh Việt Nam năm 2023 từ những xu hướng cuối năm 2022
>>> 3 năm Đồng Tâm, còn ai chưa nhắc đến.
>>> Đảng dẹp bỏ bất đồng chính kiến
Vì sao Anh vẫn là thiên đường trồng cần sa của người Việt?