Sau 2 năm đại dịch, dù có rất nhiều bất cập trong các biện pháp chống dịch, nhưng Việt Nam cũng không đến nỗi thê thảm như Trung Quốc nhờ sớm điều chỉnh chính sách chống dịch và chính sách vacxin.
Nhưng bên cạnh đó, 2 đại án Việt Á và chuyến bay giải cứu lại là đại án tham nhũng có hệ thống, những cán bộ, quan chức chính quyền đã lợi dụng tình huống đặc biệt trong dịch bệnh để thao túng chính sách và lũng đoạn nhà nước. Các đại án này có mối quan hệ sâu và rộng đến mức điều tra suốt cả năm trời vẫn chưa lôi ra hết những “con sâu”.
Vụ AIC cũng chưa kết thúc và còn rất nhiều bí ẩn khó lường, phụ thuộc rất nhiều vào việc công an có bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về quy án hay không, và phụ thuộc vào thái độ của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau y tế, có lẽ sẽ đến những ngành khác lần lượt “vào lò”. Hiện nay vụ đăng kiểm đang mở rộng điều tra và những nhóm lợi ích trong ngành giáo dục có lẽ cũng sẽ bị sờ gáy.
Chống tham nhũng quá triệt để nhưng lại không minh bạch có thể dẫn tới nhiều hệ lụy, cả về kinh tế lẫn chính trị. Cán bộ, quan chức vì lo ngại bị xử lý nên không dám làm gì, dẫn đến việc cấp phép cho các hoạt động kinh tế bị đình trệ. Các doanh nghiệp cũng lo sợ gặp phải rủi ro trong quá trình điều tra tham nhũng nên cũng dè dặt, không dám đầu tư.
Sau khi Trung Quốc xóa bỏ chính sách Zero Covid, dòng người từ các thành phố lớn ồ ạt di chuyển về nông thôn đã khiến dịch bệnh lan nhanh như sóng thần. Dân Trung Quốc chỉ được chích 2 loại vacxin trong nước sản xuất là CoronaVac và Sinopharm, nhưng hai loại vacxin này lại không hiệu quả dẫn đến tình trạng lây nhiễm và tử vong cao.
Nhưng Trung Quốc lại che dấu thông tin dịch bệnh nên ngay cả WHO cũng không nắm được thực trạng, trong khi đó, từ mùng 8/1/2023, Trung Quốc đã mở biên giới trở lại. Riêng tại cửa khẩu Móng Cái ngày 8/1, có hơn 3.000 người Trung Quốc đã nhập cảnh vào Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại tại Việt Nam trong thời gian tới.
Việc 3 nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam bị bãi nhiệm, đặc biệt là việc bãi nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc, đã gây nên nỗi lo ngại cho giới đầu tư nước ngoài và họ cho rằng đây là sự khởi đầu cho một giai đoạn bất ổn về chính trị. Nhiều người cho rằng, đây không phải là thực sự chống tham nhũng mà chỉ là cuộc thanh trừng phe phái nội bộ kiểu Tập Cận Bình.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, Nguyễn Xuân Phúc phải nghỉ vì liên quan Việt Á, Phạm Minh Chính gặp rắc rối vì AIC, như vậy, trong tứ trụ chỉ còn lại một mình ông Vương Đình Huệ được lợi vì trở thành ứng cử viên duy nhất cho chức Tổng Bí thư vào năm 2026.
Nhưng mới đây, đời tư của ông Vương Đình Huệ đã bị bới ra khi trên mạng xã hội lan tràn hình ảnh vợ bé con riêng của ông. Không rõ việc này có ảnh hưởng đến con đường quan lộ của ông hay không.
Cuối 2022, tuy Đảng hả hê với con số tăng trưởng “ngoạn mục” hơn 8%, nhưng thực tế phơi bày ra cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang rất bết bát. Năm 2023, kinh tế thế giới lại đang có những dự báo khó lường, Việt Nam khó thoát khỏi vòng xoáy đó.
Nền kinh tế Việt Nam có 3 yếu điểm, đó là: Xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ (chiếm 30% kim ngạch, xuất siêu 100 tỷ USD); nhập khẩu phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc (nhập siêu 110 tỷ USD); hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc vào tàu biển của nước ngoài (chiếm 90%). Với những yếu điểm này, khi nền kinh tế các nước mà Việt Nam xuất hoặc nhập hàng có vấn đề thì tất yếu kinh tế Việt Nam cũng lao đao theo.
Việt Nam có lợi thế là có thể trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, sau khi họ rời bỏ Trung Quốc vì những bất ổn ở đó. Tuy nhiên, cuộc đấu đá nội bộ Việt Nam đã làm cho các nhà đầu tư phải e ngại.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã lao dốc trong năm 2022, thị trường bất động sản đóng băng và thị trường trái phiếu tan nát, tâm lý nhà đầu tư và người dân bất an, mất niềm tin với thị trường và với cả hệ thống ngân hàng.
Tình hình Biển Đông vẫn bất ổn, tuy nhiên, Trung Quốc không lấn thêm được gì nhiều dù vẫn thường xuyên tập trận. Mỹ đã tuyên bố viện trợ cho Manila 100 triệu USD (10/2022), và phó Tổng thống Kamala Harris đã đến thăm Manila (11/2022).
Việt Nam tuy im lặng với Trung Quốc, nhưng cũng đã tăng cường xây dựng các tiền đồn ở Trường Sa. Vào cuối năm 2022, “Việt Nam đã nạo vét và bồi đắp bốn đảo (Namyit Island, Pearson Reef, Sand Cay, and Tennent Reef). Hiện nay, Namyit và Pearson là hai tiền đồn lớn nhất của Việt Nam tại Trường Sa”. Theo Asia Times ngày 23/1/2023.
Tuy Việt Nam tỏ ra lạnh nhạt với Mỹ, nhưng quan hệ hợp tác quốc phòng song phương vẫn tiếp tục tăng cường. Trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ely Ratner đã đến thăm Hà Nội vào tháng 9/2022, để đối thoại về quốc phòng, và Hà Nội đã mời các công ty Mỹ dự Hội chợ Quốc phòng Quốc tế đầu tiên vào tháng 12/2022.
Việt Nam vẫn lo ngại về cán cân quyền lực tại Biển Đông, nhưng vẫn chưa thấy việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Washington là cấp thiết. Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng các căn cứ tại Trường Sa và hợp tác quân sự có giới hạn với Mỹ. Nếu không có biến động bất ngờ nào, quan hệ Việt-Mỹ năm 2023 cũng sẽ như 2022.
Ý Nhi – thoibao.de (Tổng hợp)