Việt Nam tiếp tục bị lên án về vi phạm nhân quyền

Link Video: https://youtu.be/q3tmLlP8oLo

VOA Tiếng Việt hôm 9/2 đã loan tin “CIVICUS: Việt Nam vẫn bỏ tù và ngược đãi nhà báo, nhà hoạt động dù đã vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”.

Theo VOA, Liên minh toàn cầu vì sự tham gia của công dân (CIVICUS), một tổ chức phi chính phủ được thành lập ở Nam Phi, trong một báo cáo công bố hôm 8/2 nói rằng, tình trạng bỏ tù và ngược đãi các nhà hoạt động, nhà báo tại Việt Nam vẫn tồn tại, dù Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

VOA cho biết, báo cáo nhận định rằng, không gian dân sự ở Việt Nam vẫn trong tình trạng “đóng cửa”, với những ghi nhận về việc sử dụng các điều luật vốn còn nhiều hạn chế để hình sự hóa, buộc tội các nhà hoạt động và nhà báo, hạn chế việc di chuyển, giám sát và có những cáo buộc tra tấn và ngược đãi họ. Nổi bật là chiêu thức sử dụng luật về “trốn thuế” để nhắm vào các nhà hoạt động.

VOA dẫn ra nhiều trường hợp bị bắt giữ được nêu trong báo cáo, như trường hợp Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, một luật sư, trí thức phản biện nổi tiếng, đã bị bắt vào tháng 12/2022 với tội “trốn thuế”; trường hợp của Mai Phan Lợi, người sáng lập và lãnh đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC), một chuyên gia báo chí và truyền thông xã hội được nhiều người biết đến; và ông Bạch Hùng Dương, nguyên Giám đốc MEC, đã bị tòa án Hà Nội kết án 4 năm tù và 2 năm 6 tháng tù với cáo buộc “trốn thuế”. Hoặc trường hợp ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Luật và Chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững, bị kết án 5 năm tù vào tháng 6/2022 và bà Ngụy Thị Khanh, người sáng lập Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh, bị bỏ tù 2 năm cũng với tội danh tương tự.

Hình: “CIVICUS: Việt Nam vẫn bỏ tù và ngược đãi nhà báo, nhà hoạt động dù đã vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”

Ngoài ra, báo cáo của CIVICUS cũng ghi nhận những nỗ lực của nhà cầm quyền trong việc thắt chặt kiểm soát các nền tảng truyền thông xã hội nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến trên mạng. Chính quyền đã áp đặt nhiều hạn chế và ngày càng gia tăng kiểm soát truyền thông xã hội, trong khi nhiều nhà báo độc lập, blogger tiếp tục bị kết án hình sự với nhiều năm tù. Truyền thông nhà nước vẫn bị kiểm duyệt trong việc đưa tin về các cuộc biểu tình ở trong nước hay thậm chí ở Trung Quốc. VOA cho hay.

Báo cáo cũng đề cập đến tình trạng một số nhà hoạt động tiếp tục bị bắt với những cáo buộc ngụy tạo và bị cấm xuất cảnh, bị chuyển đến các nhà tù cách xa gia đình của họ và phải đối mặt với sự tra tấn hoặc ngược đãi, như trường hợp của Luật sư Võ An Đôn, nhà báo Phạm Đoan Trang, Huỳnh Thục Vy, Lê Mạnh Hà, Bùi Văn Thuận…

Trước đó, ngày 2/2, VOA đưa tin, “Chính quyền Việt Nam bị chất vấn về các tù nhân chính trị, tôn giáo “đã chết đáng ngờ”.

Theo đó, VOA cho biết, một số tổ chức phi chính phủ của người Việt ở trong và ngoài nước vừa ra một tuyên bố chung yêu cầu chính quyền Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những cái chết đáng ngờ gần đây của các tù nhân tôn giáo và chính trị. Những cái chết đáng ngờ của những tù nhân đang thụ án “chứng minh việc nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục đối xử vô nhân đạo đối với các tù nhân tôn giáo và chính trị” và “vi phạm trắng trợn Công ước Chống Tra tấn và Các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn ác, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục khác và Các Tiêu chuẩn Tối thiểu Quốc tế về Đối xử với Tù nhân”.

Hình: “Chính quyền Việt Nam bị chất vấn về các tù nhân chính trị, tôn giáo “đã chết đáng ngờ”

VOA dẫn tuyên bố chung của 7 tổ chức công bố hôm 30/1: “Nhiều tù nhân và cựu tù nhân đã lên tiếng tố cáo việc bị buộc lao động khổ sai, chế độ dinh dưỡng tồi tệ, và không được săn sóc sức khỏe kịp thời đã làm cho sức khoẻ của nhiều tù nhân suy giảm nhanh chóng. Nhiều tù nhân cũng bị trừng phạt bằng các biện pháp khắc nghiệt về thể xác”.

Tuyên bố liệt kê các trường hợp điển hình như Mục sư Đinh Diêm, một tù nhân tôn giáo thụ án tù 16 năm với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đã đột ngột qua đời tại Trại giam số 6 thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, vào ngày 5/1/2023; ông Phan Văn Thu, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo, một tổ chức Phật giáo độc lập, qua đời vào ngày 20/11/2022 tại trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, khi đang thụ án tù chung thân với cùng tội danh trên; ông Đỗ Công Đương, nhà báo công dân, đã chết vào ngày 2/8/2022 trong thời gian thụ án tù 8 năm với tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “gây rối trật tự công cộng” ở Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An; cựu giáo chức Đào Quang Thực qua đời vào ngày 10/11/2019 khi đang thi hành án tù 13 năm về tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” cũng tại Trại giam số 6; ông Đoàn Đình Nam, một tù nhân tôn giáo thuộc Ân Đàn Đại Đạo, chết trong tháng 10/2019 khi đang thụ án 16 năm tại Trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. VOA cho hay.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Nhìn hổ “thịt mồi”, Thủ Chính có chuẩn bị thế võ phòng thân?

>>> Cậu út nhà Ba Dũng đến vùng sát khí Yên Bái, vùng đệm của những thế lực nào?

>>> Vạn Thịnh Phát, Tô Lâm tưởng “nạc” nhưng hóa ra là “khúc xương khó gặm”

Chuyện lạ nhưng thật, ông Trọng nuôi một nhóm “sát thủ” chuyên truy tìm kẻ “tạo phản”?