Link Video: https://youtu.be/EEGXcBTqGcc
Ngày 19/2, trang viet-studies.net đăng bài “Trung Quốc đang trỗi dậy hay sắp suy tàn?” của tác giả Nguyễn Quang Dy, bình về tình hình chính trị Trung Quốc.
Trong bài viết, tác giả cho rằng, lâu nay, dường như mọi người đã quá quen với cụm từ “Trung Quốc đang trỗi dậy”, nên chắc khó quen với khái niệm “Trung Quốc sắp suy tàn”. Nhưng sự trỗi dậy hay suy tàn của các quốc gia là một quy luật khó tránh, nhất là đối với các nước lớn như Nga và Trung Quốc.
Theo tác giả, trong nhiều thập kỷ, Washington đã theo đuổi chính sách “tiếp cận xây dựng” một cách quá đà, giúp Trung Quốc trỗi dậy. Người Mỹ đã ảo tưởng rằng, nếu Trung Quốc phát triển và giàu có, thì họ sẽ trở nên “giống chúng ta”. Nhưng họ đã lầm. Đến thời Trump thì Mỹ mới tỉnh ngộ và điều chỉnh chiến lược, coi Trung Quốc là đối thủ.
Nhưng, tác giả nhận xét, gần đây, cuộc chiến tranh Ukraine đã làm cho Nga có dấu hiệu sớm suy tàn, trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc có dấu hiệu đang xuống dốc.
Tác giả dẫn quan điểm của nhà chính trị học người Mỹ Robert Kaplan, rằng, các đế chế hình thành từ hỗn loạn và cũng suy tàn trong hỗn loạn. Không có cường quốc nào tồn tại mãi mãi. Các chế độ chuyên chế, bên ngoài có vẻ yên bình, nhưng bên trong thường đang mục nát.
Ngày nay, cả hai cường quốc Nga và Trung Quốc đều đang đối mặt với một tương lai bất định, không thể loại trừ sự sụp đổ hoặc tan rã ở một mức độ nào đó. Nga là nước có nguy cơ cao nhất vì gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo đuổi các chính sách cực đoan và hà khắc, nên đã từng bước “bóp chết con ngỗng đẻ trứng vàng”.
Kaplan nêu ra ba kịch bản: Một là, Nga suy yếu nghiêm trọng vì cuộc chiến sai lầm ở Ukraine, trong khi Trung Quốc thấy quá khó để đạt được sức mạnh kinh tế và công nghệ bền vững. Hai là, một thế giới lưỡng cực thực sự, trong đó Trung Quốc duy trì động lực kinh tế ngay cả khi trở nên chuyên chế hơn. Ba là, sự suy yếu dần dần của cả ba cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tương tự như cuộc chiến ở Ukraine, một cuộc xung đột hải quân, trên không gian mạng, hay đấu tên lửa ở Đài Loan, Biển Đông, hoặc Biển Hoa Đông, tuy dễ bắt đầu nhưng khó kết thúc.
Tác giả dẫn số liệu tăng trưởng 3% của Trung Quốc vào năm 2022, và cho rằng, nó báo hiệu “hồi kết” của thời kỳ hoàng kim kéo dài 30 năm của kinh tế nước này. Dưới bàn tay sắt của Tập Cận Bình, kỷ nguyên của những ông chủ các đại công ty tư nhân có thể ngẩng cao đầu, đã chấm dứt. Rõ rang, đã có sự chuyển hướng khỏi con đường mà Trung Quốc đã theo đuổi, kể từ khi chính sách mở cửa và cải cách được bắt đầu vào cuối những năm 1970.
Tác giả phân tích, đối với Mỹ, nếu Nga là vấn đề ngắn hạn và cấp bách, thì Trung Quốc là thách thức dài hạn và nghiêm trọng hơn nhiều. Trung Quốc thường lấy trộm và lạm dụng tài sản trí tuệ của người khác. Sức mạnh quân sự thông thường và hạt nhân của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể. Họ đã quân sự hóa Biển Đông, ép buộc các nước láng giềng về kinh tế, gây xung đột biên giới với Ấn Độ, đàn áp dân chủ ở Hong Kong, và tiếp tục gây sức ép với Đài Loan.
Tác giả dẫn ý kiến của các chuyên gia về Trung Quốc, cho rằng, thách thức lớn nhất đối với Tập trong thời gian tới không phải là từ bên ngoài, mà chính các vấn đề tiềm ẩn của Trung Quốc ngày càng nhiều, làm đất nước suy yếu và dễ đổ vỡ. Trung Quốc không phải người khổng lồ đang trỗi dậy như người ta mô tả, mà “đang đứng chơi vơi bên bờ vực”.
Nhưng đó không phải là tin tốt lành, mà là tin xấu cho Trung Quốc và cho thế giới. Một Trung Quốc yếu kém, trì trệ và đang suy sụp, còn nguy hiểm hơn một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Tác giả nhận xét, sẽ khó có cách mạng ở Trung Quốc vì bộ máy đàn áp rất hiệu quả, nhưng dễ có bất đồng trong giới cầm quyền. Một khi Tập đã bỏ qua lời khuyên của Đặng là “Giấu mình chờ thời” thì ông sẽ lựa chọn đối đầu. Điều đó có nghĩa Trung Quốc sẽ tăng cường lấn chiếm lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đe dọa Đài Loan, bắt nạt các nước bằng “ngoại giao Chiến lang”, và gần đây nhất là ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.
Mặt khác, thành công về nhân sự trong nội bộ Đảng của Tập Cận Bình có thể dẫn đến một thời kỳ bất ổn về chính trị, do tranh chấp giữa những người trung thành với ông. Quyền lực của Tập không đảm bảo cho thắng lợi của các chính sách của ông. Quyền lực đó có giới hạn trong việc phục hồi tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tự lực về công nghệ, và giải quyết những vấn đề bất cập về dân số. Thậm chí, nó có thể làm tổn hại cho ông và cho Đảng của ông trong dài hạn. Nó khiến cho việc chọn người kế nhiệm trở nên rủi ro hơn. Xung đột lợi ích giữa các phe phái ủng hộ Tập sẽ buộc ông phải chọn phe, và điều này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Tác giả nêu quan điểm.
Gần đây, sự thất bại trong chính sách Zero – Covid của Tập dẫn đến việc cần đánh giá lại sức mạnh của Trung Quốc. Theo Joe Nye, đánh giá quá cao cũng như đánh giá quá thấp sức mạnh của Trung Quốc đều nguy hiểm như nhau. Đánh giá quá thấp tạo ra sự tự mãn, còn đánh giá quá cao sẽ làm người ta lo sợ. Vì vậy, phải rất cẩn trọng.
Nhưng tác giả cũng cho rằng, ngay cả khi Trung Quốc vượt Mỹ về kinh tế, thì GDP cũng không phải là thước đo duy nhất của sức mạnh địa chính trị. Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ về quân sự và quyền lực mềm.
Đến nay, Mỹ vẫn có ít nhất năm lợi thế trong dài hạn. Một là về địa lý. Hai là về năng lượng. Ba là về tài chính. Bốn là về dân số. Năm là về công nghệ cao (sinh học, nano và thông tin). Đó là trọng tâm tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ này. Tất cả các yếu tố đó chứng tỏ Mỹ đang trong thế mạnh hơn.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Lốc Tàu làm bay màu VinFast? Khó cũ chưa qua, khó mới ập đến Vượng Vin
>>> Đỗ Hữu Ca: Nuốt trôi bờ sông to, mắc nghẹn cục tiền nhỏ
>>> Tây Ninh “tiến công” Hà Nội, 2 mũi giáp công Nguyễn Văn Nên và Trần Lưu Quang
Nên giúp người lao động trẻ với mơ ước sở hữu nhà hơn là giải cứu doanh nghiệp bất động sản