Tình trạng trên bảo dưới không nghe là căn bệnh của chế độ này nhiều năm nay, tình trạng này hiện nay càng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Nguyên nhân là trên làm ẩu và ăn đậm, nhưng khi bị phát giác thì đẩy cho cấp dưới nhận trách nhiệm. Cấp dưới nhận ăn ít mà chịu trách nhiệm lớn, nên không ai muốn làm, đó là nguyên nhân của căn bệnh trên bảo dưới không nghe của chế độ này.
Căn bệnh này trở nên trầm trọng hơn khi mà ông Tổng Bí thư thực hiện mạnh tay chiến dịch đốt lò. Một bạn đọc Thoibao đang làm trong chính quyền cho biết, quan chức nào ăn được thì ăn, ai đùn đẩy được trách nhiệm thì đùn đẩy, mà hầu hết là đùn đẩy cho cấp dưới. Trong khi đó, hễ có thanh tra kiểm tra là lòi ra sai phạm, nên ai cũng sợ. Chiến dịch đốt lò càng mạnh thì quan chức càng “xìu”, không muốn làm việc, bởi làm việc là đối diện với rủi ro. Có những việc chẳng xơ múi gì bao nhiêu, mà nếu lộ thì chịu trừng phạt nặng.
Mỗi cán bộ xìu thì cả bộ máy nhà nước cũng xìu theo. Mới đây, chính quyền thành phố HCM đã họp bàn để thúc đẩy cán bộ dám nghĩ dám làm, nhằm vực dậy sức ì của cả bộ máy. Mà trong Chính phủ cũng thế, ông Phạm Minh Chính cũng ra nhiều văn bản chỉ đạo để ngăn chặn sức ì của bộ máy, nhưng xem ra, rất khó vực dậy được.
Nguồn vốn đầu tư công rót xuống nhiều bộ ban ngành và địa phương. Vì sức ì của bộ máy mà hầu hết các dòng vốn này đều bị nghẽn. Ông Phạm Minh Chính đã cử 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng chia làm 5 tổ đi kiểm tra và khai thông cho dòng vốn này chảy ra thị trường. Năm nhóm này đi kiểm tra phát hiện vốn nghẽn rất nhiều, nhưng cuối cùng, các bộ ban ngành và các địa phương viện lý do này hay lý do khác để bào chữa. Họ thà bị kỷ luật vì không chịu làm việc, chứ họ không muốn ở tù vì làm sai. Ngay trong Bộ Xây dựng của ông nguyễn Thanh Nghị cũng bị nghẽn dòng vốn. Quý 1/2023, Bộ Xây dựng chỉ giải ngân được 8,4% so với kế hoạch. Một sự tắc nghẽn rất khó khai thông trong lúc này.
Để giải quyết tình trạng cán bộ bị “xìu” vì sợ trách nhiệm, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Trong tình hình nguy cấp này, bà Phạm Thị Thanh Trà tham gia vào việc luật hóa. Tuy nhiên, việc luật hóa những quy định bảo vệ cán bộ thường không được tôn trọng. Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo về mặt Đảng, ông Trọng dùng Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương vv… để đánh vào bộ máy nhà nước. Những ban này không dùng luật pháp mà dùng điều lệ Đảng để trừng trị cán bộ. Vậy nên, bà Phạm Thị Thanh Trà muốn làm luật để bảo vệ người dám nghĩ dám làm là bất khả thi. Bởi hệ thống luật pháp của Việt Nam rất phức tạp vì nhiều tầng nhiều lớp đá nhau.
Như vậy, bà Trà muốn kích cho lên những cán bộ xìu không chịu làm việc, không dám nhận trách nhiệm, thì bà cũng không thể làm gì được ngoài việc đóng góp một dự luật quy định về việc bảo vệ cán bộ.
Hiện nay, bà Phạm Thị Thanh Trà đang đứng một chân ở Chính phủ và chân còn lại trong Ban Bí thư. Ở Chính Phủ, bà Trà là Bộ trưởng, ở Ban Bí thư, bà Trà là Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Lẽ ra, nếu muốn chống lại độ xìu của cán bộ, bà Trà nên đóng góp ý kiến với ông Nguyễn Phú Trọng, hoặc là sửa điều lệ Đảng hoặc là bảo ông Tổng Bí thư ngưng đốt lò. Có lẽ bà Phạm Thị Thanh Trà không dám bảo ổng Tổng ngưng đốt lò được, bởi như thế là bà đang “vuốt râu hùm”, không khéo hùm vồ luôn cả bà cho vào lò. Có lẽ bà Phạm Thị Thanh Trà không làm gì được, ngoài việc lên báo hô hào rôm rả.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://tuoitre.vn/de-xuat-quoc-hoi-ban-hanh-nghi-quyet-khuyen-khich-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-20230426115304127.htm