Ở các nước tiến bộ, Ngân hàng Trung ương và Chính Phủ là 2 cơ quan độc lập, tuy nhiên, về chính sách thì lại rất đồng bộ. Vào những năm Covid-19, hầu hết các nhà nước trên thế giới đều bơm tiền để cứu nền kinh tế. Trong đó, Ngân hàng Trung ương dùng chính sách tiền tệ để bơm tiền qua hệ thống ngân hàng thương mại, chính phủ tăng chi tiêu để bơm tiền qua các dự án. Hai chính sách này cùng bơm tiền và cùng hút tiền, nên họ xử lý khủng hoảng tốt.
Ở Việt Nam thì Ngân hàng Nhà nước (tên của Ngân hàng Trung ương Việt Nam) lại là một cơ quan ngang bộ trong Chính phủ. Như vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không độc lập với nhau, mà đều bị điều hành dưới tay Thủ tướng. Tuy là phụ thuộc nhau thế, nhưng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và chính sách tài khóa của Chính phủ lại không đồng bộ nhau. Có khi, chính sách tiền tệ bơm tiền, thì chính sách tài khóa lại nghẽn tiền. Nguyên nhân vì sao dòng tiền đầu tư công của Chính phủ bị nghẽn, thì chúng tôi đã có đề cập trong nhiều bản tin trước đây.
Trong thời gian dịch Covid 19, rất cần Chính phủ bơm những gói cứu trợ, nhưng cuối cùng những gói đấy đều bị nghẽn, không ra được thị trường. Ngoài ra, những dự án đầu tư công không thể triển khai được, nên đã hơn 2 năm nay nó vẫn cứ bị nghẽn, mà ông Thủ tướng thì không biết cách nào để khai thông. Có thể nói, ông Phạm Minh Chính là Thủ tướng tệ hại, tuy nhiên, trong Bộ Chính trị cũng không có bộ mặt nào sáng sủa hơn, để có thể điều hành Chính phủ trơn tru.
Tình hình lạm phát năm 2022 được thông báo là dưới 4%, tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi thì con số đó không đúng. Hầu hết các mặt hàng đều tăng giá trong năm qua, ít nhất là 20%, cho nên, con số lạm phát dưới 4% là không đáng tin. Đặc biệt năm nay, ngân hàng tăng lãi suất quá cao, đến hơn 13%, điều đó cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đang muốn hút tiền về. Nếu lạm phát thấp thì tại sao phải hút tiền về? Đấy là minh chứng cho thấy, tình hình nền kinh tế Việt Nam rất tệ.
Ngày 25/5, báo VTC News có bài viết: “Lãi suất giảm chỉ có trên tivi, doanh nghiệp vẫn vay ngân hàng với mức 13,9%/năm”. Bài viết cho biết, một số giám đốc doanh nghiệp cho rằng, lãi suất giảm chỉ có trên tivi, hiện tại, họ vẫn đang chịu lãi cho khoản vay ngân hàng với mức 13,9%/năm. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và rất khó tiếp cận.
Rõ ràng, nhà nước nói vậy nhưng không phải vậy, họ hô hào hạ lãi suất để lấy lòng dân, nhưng thực chất, họ không những không hạ mà lại tăng lãi suất. Cho nên, có thể nói, với hành động này, Ngân hàng Nhà nước đang âm thầm bóp cổ doanh nghiệp, sao cho doanh nghiệp kêu la không ai nghe thấy.
Theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, thì ngoài chuyện tăng lãi suất, các ngân hàng còn ngăn cản không cho doanh nghiệp vay bằng hàng rào thủ tục. Muốn vay dù chấp nhận lãi suất cao thì vẫn không dễ, nhiều doanh nghiệp phải hối lộ các ngân hàng để được duyệt hồ sơ cho vay. Nói chung, tình hình thị trường vốn của Việt Nam hiện nay không như những gì Ngân hàng Nhà nước thông báo.
Ngày 24/5, báo CafeF có bài viết “Giám đốc doanh nghiệp mang 2 bao tiền đến phòng Giám đốc ngân hàng để “bôi trơn” vay vốn”. Tựa đề bài báo đã nói lên tất cả, doanh nghiệp đói vốn, dù chấp nhận lãi suất cao cũng không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, nên phải hối lộ.
Hiện nay, cả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và chính sách tài khóa của Chính phủ đều tỏ ra lúng túng trước thực trạng của nền kinh tế. Những người lãnh đạo cao nhất trong bộ máy chính quyền không đủ năng lực để giải quyết nó. Tuy nhiên, 100 triệu người dân lại thấp cổ bé họng nên bất lực, họ không có quyền xuống đường biểu tình đòi truất phế những con người bất tài đang lãnh đạo đất nước.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://vtc.vn/lai-suat-giam-chi-co-tren-ti-vi-dn-van-vay-ngan-hang-voi-muc-13-9-nam-ar784510.html