Link Video: https://youtu.be/KNbtxjPRY_I
Ngày 14/6, RFA Tiếng Việt có bài “Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Mâu thuẫn âm ỉ từ lâu, khó có thể là sự bột phát!”
RFA dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu và phân tích chính sách công của Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ TS. Phạm Quý Thọ, cho rằng, sự kiện ở Đắk Lắk hôm 11/6 là “hết sức bất ngờ”.
Về mức độ nghiêm trọng, Tiến sĩ Thọ cho rằng, “có lẽ sự kiện này chỉ sau vụ Đồng Tâm” và “khó có thể nói rằng, đó là sự “bột phát” như kiểu tức giận của một cá nhân, hay của một nhóm người”.
Tiến sĩ Thọ cho biết, Tây Nguyên “có một số đặc thù phát triển”. Đầu tiên, “nổi bật lên vấn đề di dân tự do, mà đã để lại một số vấn đề khá nghiêm trọng, đặc biệt với đất đai, rừng, cũng như đất trồng trọt và đất ở”.
Thứ hai là “một số vấn đề phức tạp về tôn giáo” và “chính quyền kiểm soát rất chặt chẽ”.
Thứ ba là vấn đề “phát triển kinh tế” và “sự chênh lệch giàu nghèo cũng khá nghiêm trọng”.
“Ba yếu tố trên có liên quan người dân bản địa và người bản địa luôn có những suy nghĩ khác đối với di dân ở nơi khác đến.”
Tiến sĩ Thọ nhận xét, Tây Nguyên “là một địa bàn khá trọng yếu”, cả “về kinh tế” và “an ninh, trật tự”, đồng thời “nạn phá rừng vẫn còn là vấn đề rất lớn”.
Ông Thọ cũng cho rằng, cần giải quyết vấn đề bất bình đẳng giữa người bản địa và những người ở nơi khác đến”, bằng cách “quan tâm thỏa đáng hơn, thí dụ như lồng ghép với các chương trình xóa đói giảm nghèo, phúc lợi, trợ cấp, rồi những chương trình khác, thậm chí có những chính sách ưu tiên về đất ở, cơ sở hạ tầng đối với người bản địa”.
RFA dẫn ý kiến của một nhà nghiên cứu là người bản địa ẩn danh, cho rằng, vụ 11/6 “là lớn nhất hơn 10 năm trở lại đây” và “nguyên nhân chính bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc, mâu thuẫn trong cách quản lý nhà nước, mà cao trào nhất là mâu thuẫn trong vấn đề thu hồi đất đai của đồng bào Thượng”.
Nhà nghiên cứu ẩn danh nhận xét, “nhà nước Việt Nam không cho tự trị” và không gọi người dân tộc ở Tây Nguyên là “dân tộc bản địa”, mà chỉ gọi họ là “dân tộc thiểu số”.
Nhà nghiên cứu này cho biết, “Dân tộc Tây Nguyên là một bộ phận không thể tách rời của các sắc tộc trên lãnh thổ của một số vương quốc cổ xưa”, nhưng chính quyền Việt Nam “dùng những danh xưng nhỏ để phân nhỏ các nhóm cư dân, sắc tộc ra, để những người dân bản địa này không còn quan tâm nguồn gốc xa xưa của họ nữa”.
“Cách quản lý của nhà nước gây ra sự khó chịu, gây bức xúc nhiều cho đồng bào, mà ngay nhiều nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, như nhà văn Nguyên Ngọc, hay nhiều nhà văn khác ở Việt Nam, cũng nói rằng: “Từ khi mấy ông ở ngoài miền Bắc vào, các ông phá nát hết Tây Nguyên!”
Một khía cạnh khác được cho là khá nghiêm trọng theo nhà nghiên cứu này. Đó là chính quyền đưa những người ở nơi khác đến để “quản lý chính bà con”, xé lẻ “buôn nọ, buôn kia”, rồi dùng những “người đồng tộc” để theo dõi bà con. Nhiều người nói rằng, “những người ở những nơi khác tới xem thường họ”.
Nhà nghiên cứu nhận xét, “vấn đề đất đai là vấn đề bức xúc lớn nhất bây giờ, nhất là ở cách thức thu hồi, lấy đất của bà con, của đồng bào. Và chuyện bức xúc ấy, nếu không giải quyết cho êm đẹp, thì sẽ không bao giờ quản lý được tư tưởng, cảm xúc của người ta đâu và sẽ tiếp tục xảy ra những sự việc như thế.”
RFA dẫn ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy từ Lognes, Cộng hòa Pháp, cho rằng, có thể học hỏi một số kinh nghiệm giải quyết vấn đề sắc tộc ở Tây Nguyên thời Việt Nam Cộng Hòa. Theo đó, cho “người Thượng ở Tây Nguyên một số quyền lợi”, như có người đại diện của họ trong Quốc hội, và “những người lãnh đạo địa phương như là Quận trưởng, Tỉnh trưởng, Thị xã trưởng hay là Xã trưởng đều là người Thượng”.
Theo ông Huy, “người Thượng là họ không đòi gì hết, mà họ chỉ đòi được quyền sinh sống trên đất đai của Tổ tiên của họ và đòi có quyền thực hành tự do tôn giáo, tín ngưỡng của họ”.
Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Lịch sử xung đột sắc tộc Tây Nguyên
>>> Thanh tra và giám sát thanh tra
>>> TIẾNG SÚNG CƯ KUIN, ĐAK LAK
Hai bệnh viện đã khánh thành nhưng vẫn “đắp chiếu” trong khi hệ thống y tế đang quá tải