Link Video: https://youtu.be/4FNm8XvbwAY
Ngày 15/6, trên diễn đàn của VOA có bài bình luận “Muốn tổ chức lại EVN, phải vượt thoát tư duy độc quyền”.
Bài viết nhắc đến câu chuyện người dân Thủ đô và rất nhiều cư dân khác từ các tỉnh phía Bắc trở về “thời ăn lông ở lỗ” tại các hang đá, dần dà trở thành “xưa như Diễm”.
Theo tác giả bài viết, có lẽ hai tiếng “thay đổi” sẽ là từ húy đối với nền báo chí Cách mạng. Đòi thay đổi, cho dù thay đổi cơ chế hay thể chế, rất dễ bị quy chụp trong thời buổi nhiễu loạn hiện nay. Tuy nhiên, căn cứ vào ý kiến các chuyên gia trong buổi tọa đàm “Giải bài toán thiếu điện” do Câu lạc bộ “Café Số” tổ chức chiều 9/6, thì rõ ràng, tinh thần của những năm “tiền” Đổi mới lại vọng về: Thay đổi hay là chết!
Tác giả nhắc đến phát biểu của chuyên gia Hà Đăng Sơn, có ý phê phán những người chỉ trích “Quy hoạch điện VII”, vì theo ông, công việc của những người làm quy hoạch là hết sức phức tạp và đòi hỏi trí tuệ. Tuy nhiên, ông Sơn vẫn than vãn là Quy hoạch “quá cứng nhắc, 5 năm mới được điều chỉnh (một lần), trong khi thực tế thay đổi chóng mặt”.
Đồng thời, tác giả cũng nhắc đến lời phản bác ý của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, cho rằng, “Thực tế thay đổi, sao không viết lại quy hoạch. Sao lại tự mình vẽ ra (quy hoạch) rồi buộc mình (vào đấy)”. Tiến sĩ Cung nhấn mạnh: “Phải để thị trường ban hành… và phải thay đổi cách thức làm chính sách, phải để các nhà đầu tư đưa ra quyết định, đừng bàn nữa, đừng chỉ thị nữa!”
Tác giả bình luận, nghe ông Cung phán như thế này, nhiều nhà báo “lạnh tóc gáy” và cho rằng, vị Tiến sĩ này đã “uống thuốc liều”.
Đồng thời, tác giả cho rằng, chuyện bê bối của Tập đoàn EVN không mới, nó bắt nguồn từ chính sách về cái gọi là “an ninh năng lượng” của nhà nước vốn đã sai ngay từ đầu. Để ra khỏi mớ bùng nhùng EVN phải bắt đầu từ đâu, thì buổi tọa đàm vẫn chưa gút lại được.
Một ý kiến khác của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, được tác giả dẫn lại, nhấn mạnh rằng, để giải quyết bài toán thiếu điện, phải theo tư duy hệ thống, đặt trên nền tảng thị trường. Tác giả bài viết đồng ý với quan điểm này, và bổ sung, muốn tổ chức lại EVN thì cần phá thế độc quyền của EVN!
Tác giả nhận xét, trên thực tế, Việt Nam đeo đuổi mô hình quản trị quốc gia tập trung, nhưng khi đi ra thế giới, lúc nào cũng “xin” các nước hãy công nhận mình có nền kinh tế thị trường. Sự “kiên định” này, đưa đến hậu quả cụ thể là xây dựng hệ thống điện tập trung, cung cấp điện quốc gia theo chương trình độc quyền từ Trung ương.
Điện là vấn đề an ninh quốc gia, chính vì vậy không thể để cho một cơ quan độc quyền như EVN làm mất an ninh quốc gia. Đã đến lúc Chính phủ không chỉ quá tập trung hỗ trợ EVN, mà nên có cả những chính sách hỗ trợ cho địa phương nào chủ động được nguồn năng lượng. Những tổn hại rất lớn cho nền kinh tế cũng như nguồn nhân lực do việc thiếu điện, không cho phép các nhà quản trị quốc gia chần chừ các quốc sách về năng lượng được nữa.
Tác giả dẫn quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu cho rằng, để tìm ra lời giải tối ưu cho những bài toán lớn phức tạp, cách tiếp cận phổ quát là tách bài toán lớn ra nhiều bài toán nhỏ. Phát triển hệ thống điện nên đi theo cách tiếp cận ấy. Hãy chia ra nhiều vùng năng lượng.
Tác giả nêu quan điểm, an ninh năng lượng hẳn nhiên là một bài toán khó, riêng đối với Việt Nam lại càng khó gấp bội, vì nếu không tỉnh táo sẽ tự chui vào bẫy của “nước lạ”. Chia tách quyền bính của EVN như trên không chỉ giúp các địa phương, các vùng miền có thể chủ động giải bài toán năng lượng của mình, mà còn tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư từ khắp mọi miền của Tổ quốc.
Tương lai Việt Nam sẽ còn thiếu điện, cho nên, chiến lược phát triển điện là vùng nào phục vụ vùng đó, chứ không phải là chuyển điện mặt trời từ Nam ra Bắc, hay chuyển thuỷ điện từ miền Bắc vào miền Nam.
Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Việt Nam bất lực trước sự hung hăng của Trung Quốc
>>> Thông điệp từ trong tù của Luật sư Đặng Đình Bách
>>> Đảng cần đánh giá lại chính sách đối với Tây Nguyên
>>> Người Tây Nguyên không quy phục người Kinh
Việt Nam đàm phán mua vũ khí của Ấn Độ trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung