Thể chế kinh tế của Việt Nam chưa thực sự được các nước tiến bộ thừa nhận là một nền kinh tế thị trường. Việc mở cửa vào năm 1986 như là một sự bắt buộc, vì lúc đó, Đảng Cộng sản đã siết cổ dân đến mức không thể chịu đựng được nữa. Nền kinh tế nông nghiệp kém hiệu quả, nên cái đói ập lên đầu người dân. Loại chủ nghĩa cào bằng đã triệt tiêu động lực lao động toàn xã hội. Thế hệ 7X trở về trước là những người nếm trải tình trạng kinh hoàng này.
Khi Đảng Cộng sản chuyển đổi thể chế kinh tế, thì họ không dám tự tin để chuyển hẳn sang cơ chế thị trường như các nền kinh tế tự do, mà họ làm theo những gì Cộng sản Trung Quốc đã làm. Thể chế kinh tế mà Việt Nam đã thực hiện từ năm 1986 đến nay là thể chế vì Đảng, chứ không phải vì dân. Miếng bánh kinh tế lẽ ra trao cho dân, còn nhà nước chỉ nên thu lợi tức qua các loại thuế. Tuy nhiên, với bản chất tham lam ích kỷ nên Đảng Cộng sản giành hết phần lợi về mình và đẩy phần thiệt về cho dân.
Ngày nay, Đảng Cộng sản tuy hô hào cổ phần hóa, nhưng thực chất, họ cổ phần hóa rất chậm. Hoặc cố tình dây dưa, hoặc cổ phần hóa nhưng vốn của nhà nước vẫn giữ trên 50%, để giữ quyền điều khiển. Nhà nước được phép làm doanh nghiệp, nhà nước được làm chính sách. Và thực tế là chính sách đấy hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước.
Được hưởng rất nhiều ưu ái, trong đó có một số doanh nghiệp được hưởng cơ chế độc quyền, một mình một chợ, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, ví dụ như EVN. Họ độc quyền mua điện, độc quyền bán điện và gây ra những hậu quả nhãn tiền. Nền kinh tế tan nát, đời sống dân sinh khốn khổ vì ngành điện. Họ một mình một chợ nên cứ muốn cúp là cúp, không cần thông báo. Vì tình trạng như vậy mà doanh nghiệp khốn đốn.
Với chính sách độc quyền mua điện, EVN chỉ chú tâm mua điện than và quay lưng với điện sạch, thì họ đã đè bẹp được sự phát triển của ngành điện sạch. Mặc dù người dân thiếu điện, nhưng họ vẫn không mua điện sạch, thì các nhà máy này cũng chẳng làm gì được và họ chẳng biết bán cho ai.
Ngành điện than là ngành vô cùng gây ô nhiễm, thiết bị lạc hậu. Trung Quốc hiện nay đang muốn loại thải các nhà máy điện than, và nơi mà họ đổ rác công nghệ lạc hậu đấy là Việt Nam. Với sự điều tiết của EVN thì điện than Việt Nam vẫn cứ phát triển, bất chấp nó mang lại nhiều hệ lụy xấu cho môi trường.
Được biết, hiện nay các nhà máy điện than Việt Nam đang thiếu khoảng 1 triệu tấn than. EVN cho biết, theo kế hoạch cập nhật huy động các tháng 6 và 7, sản lượng dự kiến của các nhà máy nhiệt điện sử dụng than anthracite vào khoảng 12,33 tỷ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 6,03 triệu tấn.
EVN ưu tiên nhiệt điện và quay lưng với điện sạch, lý do họ nêu ra là để ổn định nguồn cung. Tuy nhiên, trên thực tế, với nguồn than thiếu hụt, thì nguồn cung điện từ các nhà máy nhiệt điện cũng không đảm bảo. Thực tế, những gì EVN viện lý do là để che đậy sự yếu kém của họ. Sự yếu kém này đã kéo dài trong nhiều năm, và gây tác hại rất lớn đến nền kinh tế và đời sống dân sinh.
Đấy chỉ mới là ngành điện, còn nhiều ngành khác nữa mà hậu quả của cơ chế độc quyền là không thể nào cân đo đong đếm được. Đảng Cộng sản rất thiếu tự tin về khả năng quản trị của họ. Mà thực tế đúng như vậy, khả năng quản lý của họ rất kém, bởi họ giành chính quyền từ họng súng, thì họ chẳng có gì ngoài bạo lực.
Cơ chế độc quyền hiện nay đang mang lại lợi ích rất lớn cho Đảng và cán bộ Đảng, họ có thể bóp “dạ dày” của dân, đó cũng là một phần trong biện pháp cai trị. Dù cho độc quyền có tác hại như thế nào đến nền kinh tế, tác hại như thế nào đến đời sống dân sinh, nhưng nó giúp Đảng cai trị, thậm chí có thể trừng trị được dân, là họ làm. Đảng Cộng sản chẳng bao giờ vì dân, đó là bản chất.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)