Link Video: https://youtu.be/8p1RJuTPUHc
Ngày 19/6, báo Đất Việt có bài “Bị bắn trên giường thành khủng bố, sa chân xuống hố hóa anh hùng” của tác giả Hoàng Dũng.
Theo tác giả, ai theo dõi vụ Bộ Công an dùng 3.000 quân vũ trang tận răng, nửa đêm tấn công vào làng Đồng Tâm, đều biết câu đối này. Nó mô tả chua chát thực trạng, khi một đám khủng bố có quyền lực thì chúng có thể trơ trẽn đổi trắng thay đen như thế nào.
Theo đó, một ông cụ già đang ngủ trên giường thì bị bắn chết, nhưng lại bị gọi là “khủng bố”. Còn những kẻ vũ trang tận răng nhưng nghiệp vụ kém cỏi, bị rơi xuống hố sâu tử nạn, thì sau đó lại được trao “Huân chương Chiến công”, như những anh hùng thời đại.
Tương tự, tác giả so sánh, trong vụ Cư Kuin ở Đắk Lắk, 5 công an bị bất ngờ tấn công và bị tiêu diệt, lại được trao Huy hiệu “Tuổi trẻ Dũng cảm”. Theo Hướng dẫn thực hiện Khen thưởng của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản, thì Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” là để tặng cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi Việt Nam có hành động dũng cảm, lập công xuất sắc trong bảo vệ an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; dũng cảm bảo vệ, cứu người, tài sản của nhân dân, của Nhà nước trong những tình huống cấp bách.
Tác giả đặt câu hỏi: Vậy hành động của 5 công an trong vụ Cư Kuin đêm đó là gì?
Và tác giả trích dẫn một bài viết của báo lề Đảng:
“Vừa đến sân Trụ sở (chung khu vực với Ủy ban xã Ea Ktur), Thượng úy Bốp thấy một nhóm người chạy lại, nên hạ kính xe, hỏi “Có chuyện gì?”. “Tôi chưa dứt câu thì bị một người đâm, chém liên tiếp”, Bốp kể. Những người khác hét lớn “giết nó đi”, ném nhiều bom xăng vào trong xe hơi. Bốp nhảy sang ghế phụ, đạp cửa xe, ôm vết thương ở bụng chạy về phía sau Trụ sở.
Camera an ninh tại đây ghi nhận, lửa bùng lên trong xe, Bốp lao ra với hai ống quần bốc cháy. Thượng úy Bốp ôm chặt vết thương cho đỡ mất máu, chạy vào vườn cà phê gần đó, rồi dần rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Trước khi anh ngất lịm, xung quanh là tiếng la hét, chân người chạy dồn dập. “Khi tỉnh lại tôi nghe thấy tiếng mấy anh em ở xã nên cố gắng kêu cứu”, Bốp kể.
Anh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên lúc gần 3 giờ, trong tình trạng bị hai vết đâm, chém ở bụng, mất nhiều máu, bỏng hai chân.”
Tác giả nhận xét, Bốp bỏ chạy thục mạng, may mắn thoát chết và được nhận Huy hiệu “Tuổi trẻ Dũng cảm”. Còn một số cán bộ công an khác thì không may mắn được như Bốp.
Và tác giả tiếp tục mỉa mai, còn Đảng nhưng không còn mình. Ở nơi xa ấy, nhớ phù hộ cho vợ con và bạn trai mới của vợ. Mỗi khi anh ấy uống ngụm bia từ những đồng tiền mà các anh đã kiếm được từ núi rừng Tây Nguyên kia, chắc chắn sẽ nhớ đến sự hy sinh của anh.
Cứ ngã xuống thoải mái, miễn là Đảng còn. Giấy A4, huy hiệu, huân chương… thì Đảng không thiếu, tác giả mỉa mai kết luận.
Quả thực, nếu ai đã từng theo dõi những cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016, thì có lẽ cũng nhìn thấy cảnh những người công an vứt khiên giáp, dùi cui, bỏ chạy thục mạng khi tình thế bất lợi cho họ. Những nhà hoạt động kinh nghiệm đều biết, công an không bao giờ dám tiếp cận “đối tượng” nếu họ chỉ có một hai người, cho dù đó là những nhà hoạt động ôn hòa, không vũ trang, không biết võ. Công an chỉ giỏi xông ra trấn áp khi lực lượng của họ đủ đông, đủ để lấy thịt đè người. Cho nên, việc trao huy hiệu, huân chương cho họ quả là điều quá nực cười, thậm chí là nhục nhã cho chế độ.
Cũng chính vì công an là lực lượng bảo vệ Đảng, đàn áp dân, nên một khi người dân “tức nước vỡ bờ”, thì đối tượng đầu tiên mà dân nhắm đến cũng chính là họ. Như vậy, khi quyết tâm đi theo Đảng, không biết có thể bảo vệ được Đảng trong bao lâu nữa, nhưng nhiều khả năng họ sẽ phải bỏ đi sinh mạng của mình.
Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Cần xóa bỏ việc hình sự hóa ngôn luận
>>> Giải pháp nào cho Tây Nguyên?
Facebook bị tố tiếp tay cho Việt Nam bóp nghẹt tự do ngôn luận