Vào tháng 12/2022, hai nhãn hiệu xe VinFast bất ngờ được lọt vào top 10 thương hiệu có doanh số lớn, với tổng doanh số 4.278 xe của bộ đôi SUV điện VFe34 và VF8 của VinFast.
Đến tháng 5/2023, lại một lần nữa, VinFast lọt vào top 10 cũng với 2 loại xe trên. Đây là báo cáo rất có lợi cho VinFast, bởi nó tạo cho khách hàng một ảo giác về việc thương hiệu xe Việt cạnh tranh ngang ngửa với các các ông lớn trên thế giới, tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đấy chỉ là một nửa của sự thật, và VinFast đã cố tình giấu đi một nửa còn lại, để tạo ảo giác cho khách hàng tiềm năng của họ.
Thông thường, những kẻ chỉ nói ra một nửa sự thật là âm mưu, là không trong sáng. Trong trường hợp này, kẻ chỉ nói ra một nửa sự thật đã tạo ra một cái bẫy, để bẫy khách hàng. Bởi khách hàng thường dễ bị thuyết phục bởi những con số, bởi theo lý luận của nhiều người thì “con số không biết nói dối”. Vậy là một nửa sự thật còn lại, đó là gì?
Nửa sự thật còn lại, đó là, VinFast không nói rõ khách hàng đã mua xe VinFast là đối tượng nào?
Thực chất, khách hàng lớn nhất đặt mua xe VinFast, đó là Công ty Taxi Xanh GSM, do chính ông Phạm Nhật Vượng lập ra. Công ty này đã mua 10.000 chiếc xe 4 bánh và 100.000 chiếc xe 2 bánh, tất cả các xe đều là thương hiệu VinFast.
Như vậy, VinGroup vừa làm ô tô, vừa làm taxi. Hãng taxi của VinGroup lại là khách hàng của hãng ô tô, cũng thuộc VinGroup. Các hãng xe lớn như Toyota hay Honda vv… không bao giờ họ làm như vậy, không phải họ không đủ tiền để làm, mà họ không cạnh tranh với khách hàng của họ.
Trên thế giới này, các nhà bán sỉ thì không bán lẻ, vì nhà bán sỉ hiểu rằng, họ phải nhường sân chơi bán lẻ cho khách hàng của họ. Nhờ đó mà hệ thống bán lẻ được nhân rộng, mà hệ thống bán lẻ nhân rộng thì nhà bán sỉ cũng có lời. Nếu nhà bán sỉ lại cạnh tranh với nhà bán lẻ, thì kết quả là nhà bán lẻ sẽ quay lưng, vì họ biết, họ không thể cạnh tranh nổi nhà bán sỉ. Nhưng khi các nhà bán lẻ quay lưng, thì đó là khó khăn cho nhà bán sỉ, vì thị trường của họ bị thu hẹp.
Nếu tính con đường bền vững, thì không nhà bán sỉ nào lại đi cạnh tranh với nhà bán lẻ, và không đời nào cạnh tranh với khách hàng của họ.
Trong trường hợp của VinFast, họ lập ra công ty taxi để tiêu thụ xe VinFast. Như vậy, họ đang gây áp lực lên các hãng taxi khác. Nếu có một hãng taxi nào đấy muốn mua xe điện làm taxi, thì họ có thể nào mua xe của chính đối thủ họ hay không?
Hiện nay, xe điện giá rẻ Trung Quốc sắp ra mắt tại thị trường Việt Nam, thì các hãng taxi khác có nhiều lựa chọn hơn. Giả sử, họ đầu tư xe điện giá rẻ để giảm giá cước, cạnh tranh với VinFast, lúc đó, VinFast có còn một mình một chợ được hay không?
Hiện nay, ông Phạm Nhật Vượng đang kinh doanh theo lối “tự sướng”. Nghĩa là, VinGroup làm ra xe điện, rồi bán cho công ty con của VinGroup để làm taxi. Hoặc ông Vượng lập ra công ty cháu, công chắt, công ty chít nào đó, để tiêu thụ cho hết xe ế của VinFast, thì liệu, mô hình này có bền vững không? Như vậy, sản phẩm của VinFast chỉ cần quay vòng vòng trong hệ thống của Vin, và họ không cần thị trường sao?
Câu chuyện sản xuất rồi bán cho anh em trong nhà, đó không phải là bài toán tối ưu, mà ngược lại, lối kinh doanh này rất cồng kềnh. Nó làm cho tập đoàn cứ ngày một phình ra, khó quản lý và khó có thể thu được lợi nhuận. Mô hình này không được các tập đoàn lớn áp dụng là có cái lý của nó. Những tập đoàn lớn, họ cần thị trường, và người mở rộng thị trường cho họ không ai khác chính là những đại lý, những nhà bán lẻ chuyên bán độc quyền sản phẩm của họ.
Tại Việt Nam, mảng xe máy, Honda ủy quyền cho các nhà bán lẻ Head thực hiện. Những nhà bán lẻ này chỉ cần thực hiện đúng tiêu chuẩn mà Honda đưa ra. Honda không bán lẻ để cạnh tranh với các Head. Chẳng hạn, bạn muốn mua xe SH, bạn không thể đến mua trực tiếp tại hãng, mà phải mua tại cửa hàng Head. Với tiềm lực tài chính rất mạnh, Honda Việt Nam dư sức bán lẻ sản phẩm của mình, nhưng họ không làm như vậy. Còn VinFast, tại sao họ phải ôm hết mọi thứ?
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://giaxeoto.vn/top-10-15-xe-o-to-ban-chay-nhat-viet-nam-2023-468