Trung quốc là nền kinh tế lớn, tuy nhiên hàng hóa Trung Quốc thì từ thượng vàng đến hạ cám đều có. Hàng giá rẻ thì họ làm còn rẻ hơn Việt Nam, hàng chất lượng cao, họ làm chất lượng hơn Việt Nam. Nếu nói Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU và các nền kinh tế lớn thường làm ra những mặt hàng chất lượng, thì Trung Quốc lại làm ra quá nhiều mặt hàng cạnh tranh với Việt Nam. Kết quả là nền kinh tế Việt Nam mất tự chủ.
Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là 117,87 tỷ đô la, và xuất sang Trung Quốc rất khiêm tốn, chỉ 57,7 tỷ đô la. Vậy, thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 60.17 tỷ đô la Mỹ. Con số thâm hụt thương mại với Trung Quốc cứ tăng đều hằng năm. Trong khi đó, cùng năm, Việt Nam đã thặng dư thương mại với Mỹ là 94,92 tỷ đô la Mỹ (xuất sang Mỹ đến 109,39 tỷ và nhập hàng từ Mỹ chỉ 14,47 tỷ đô la). Nói chung, nền kinh tế Việt Nam đang kiếm tiền từ thị trường Mỹ để làm giàu cho thị trường Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thích những con số thống kê đẹp, họ không quan tâm đến việc người Việt Nam được hưởng lợi bao nhiêu trong những con số ấy. Thực chất, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi các nước trên thế giới, hết 72% là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, phần còn lại là của doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là gia công và sản xuất những sản phẩm chứa hàm lượng chất xám thấp. Nói chung, nền kinh tế Việt Nam chỉ thể hiện những con số đẹp, còn bản chất thì rất yếu.
Trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì Trung Quốc có lợi hơn Việt Nam. Thứ nhất là hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam chiếm lĩnh thị trường và đẩy hàng Việt Nam đối diện với cửa tử. Đã nhiều năm qua, hàng nông sản Trung Quốc thay thế hàng nông sản Việt, làm cho nông dân Việt phải cực khổ kêu xã hội giải cứu vì không thể bán được. Thứ nhì là hàng Trung Quốc muốn mượn đường Việt Nam để xuất sang thị trường Mỹ và EU, để lách những lệnh trừng phạt mà Mỹ nhắm vào Trung Quốc.
Có một chuyên gia kinh tế cho chúng tôi biết rằng, vấn đề của Việt Nam hiện nay là ở nội lực của nền kinh tế đất nước. Làm sao để vẫn làm ăn với Trung Quốc, nhưng không để Trung Quốc giết chết ngành nông sản Việt, và không để Trung Quốc mượn đường. Việc bắt tay với Trung Quốc là cần phải có những ký kết mang lại công bằng cho 2 bên, chứ không phải Việt Nam cứ nhượng bộ, để Trung Quốc muốn làm gì thì làm với nền kinh tế Việt Nam.
Trong mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc, không khó để nhận ra sợi dây thòng lọng mà Trung Quốc đã đặt vào cổ Việt Nam. Qua bao nhiêu năm làm ăn, Việt Nam quá phụ thuộc Trung Quốc cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Chỉ cần Trung Quốc đóng cửa khẩu thương mại, thì Việt Nam gục ngay tại chỗ. Chỉ cần Trung Quốc không xuất hàng cho Việt Nam, thì nền kinh tế gia công Việt Nam sẽ đói nguyên liệu.
Ngoài sợi dây thòng lọng về kinh tế, Trung Quốc còn đặt lên cổ Đảng Cộng sản một sợi dây thòng lọng chính trị. Từ Hội nghị Thành Đô cho đến nay, Hà Nội gần như không dám làm gì trái ý với Bắc Kinh. Mỗi lần bắt tay với Mỹ thì phải sang Tàu xoa dịu. Và tất nhiên, Bắc Kinh quan sát thấy Đảng Cộng sản Việt Nam không ăn ở hai lòng, thì họ sẽ nương tay, nhưng nếu thấy Việt Nam gần Mỹ quá mức, thì họ sẽ siết cổ Đảng Cộng sản Việt Nam, để cột Việt nam vào quỹ đạo của họ.
Với Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quá chiều chuộng, trong khi đất nước cần được cởi trói cả về thể chế kinh tế lẫn thể chế chính trị để phát triển. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản sẽ không bao giờ dám thay đổi. Những người ngồi trên cao của Đảng Cộng sản cứ mãi đi bằng đầu gối để bảo vệ Đảng, và đó là bi kịch của dân tộc. Dân tộc này dính 2 thòng lọng, không thoát được.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://www.vietnamplus.vn/trao-doi-thuong-mai-giua-viet-nam-voi-cac-doi-tac-lon-nhat-nam-2022/840848.vnp