Dự án Khu liên hợp Gang Thép mà nhiều người cho là sẽ trở thành Formosa 2.0, do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Long Sơn thực hiện, quy mô 63.500 tỷ đồng. Với nguồn vốn đầu tư lớn như thế, một số người thạo tin nhận xét, chỉ cần vài phần trăm trong đó được dùng làm tiền “bôi trơn”, thì nó cũng là một gia tài lớn đối với quan chức.
Làm quan chức dưới chế độ này, là nắm trong tay quyền sinh, quyền sát. Họ có quyền ban hành lệnh thu hồi đất với khung giá nhà nước quy định. Mà khung giá do nhà nước quy định thấp hơn giá thị trường rất xa. Mặc dù những năm gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn cứ ra rả về giá đất đền bù theo sát giá thị trường, nhưng đó chỉ là những lời tuyên truyền. Thực tế, người dân vẫn đang rất sợ bị nhà nước thu hồi đất của họ, vì hễ nhà nước thu hồi, thì xem như bị cướp.
Ở Việt Nam, người ta không tính toán cân nhắc kỹ như các nước tiến bộ. Tại các nước phát triển, người ta tính toán rất kỹ dự án mang lại giá trị kinh tế cho địa phương, và sau đó, trừ thiệt hại do ô nhiễm gây ra, từ đó xác định được lợi hại của dự án. Chính vì cách tính này mà các nước giàu chỉ cho những ngành công nghiệp sạch mọc lên và từ chối thẳng thừng những dự án gây ô nhiễm môi trường.
Đảng Cộng sản thì không quan tâm đến những hậu quả mà người dân phải gánh, họ chỉ lấy những con số tăng trưởng do dự án mang lại, và họ lờ đi những thiệt hại về môi trường. Một chuyên gia kinh tế cho biết, nếu lấy tăng trưởng trừ đi thiệt hại môi trường, thì hầu hết các dự án luyện thép đều cho con số âm. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư công nghệ bẩn, họ sẵn sàng hối lộ cho quan chức để đổi lấy cái gật đầu của quan chức. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cam kết với Công ty Long Sơn, và bỏ qua sự phản đối của người dân. Vẫn là quan điểm, dân chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định và cả Tỉnh ủy đang làm việc với định hướng ép dân Lộ Diêu phải chấp nhận, chứ không lắng nghe ý kiến của người dân. Họ nói bừa về việc dự án này không gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó, doanh nghiệp này đã bị nhiều tỉnh phạt về việc gây ô nhiễm. Không phải ngẫu nhiên mà quan chức tỉnh Bình Định sốt sắng dọn đường cho Công ty Long Sơn làm dự án. Quan chức Cộng sản không làm không công cho ai bao giờ. Nếu họ làm không công, thì tiền đâu để xây nhà cao cấp, tiền đâu mua ô tô, tiền đâu cho con cái du học, và tiền đâu mua đồng hồ Thụy Sỹ bạc tỷ làm trang sức?
Theo như chúng tôi được biết, người dân Lộ Diêu đang kêu cứu lên chính quyền, chính quyền tỉnh thì đã rõ, họ đứng về phía doanh nghiệp, còn chính quyền Trung ương thì đang làm ngơ. Vì thế, người dân Lộ Diêu lập mạng xã hội để kêu cứu cộng đồng mạng, giúp họ một tiếng nói để cứu lấy Lộ Diêu, cứu lấy kế sinh nhai của họ. Ngoài việc kêu gọi đồng bào ủng hộ họ, thì họ không thể trông cậy gì vào chính quyền được.
Cái phao cuối cùng của dân Lộ Diêu là đồng bào, và tất nhiên, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng biết điều đó. Chỉ cần đâm thủng cái phao ấy đi, thì dân Lộ Diêu sẽ “chết chìm” mà thôi.
Ngày 29/6, trang facebook Nguyễn Xuân Diện có đăng status rằng, “FB Lộ Diêu do dân làng lập ra để ca ngợi cuộc sống thần tiên và cuộc sống yên bình nơi đây, đã bị đánh sập hôm qua. Facebook của hai quản trị viên cũng biến mất”. Không thể chỉ đích danh ai sai khiến “sai nha” đánh sập những trang facebook ấy, nhưng cứ đặt câu hỏi rằng, những trang facebook ấy bị sập thì ai có lợi nhất. Và quan trọng là, nhà nước có hàng chục vạn dư luận viên và cũng ngần ấy kẻ chuyên đi đánh sập các trang cá nhân trên mạng xã hội, những trang mà chính quyền không muốn nó tồn tại.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://laodong.vn/xa-hoi/binh-dinh-thong-nhat-chu-truong-boi-thuong-cho-nguoi-dan-lo-dieu-1208550.ldo