Dưới bàn tay nhào nặn của Cộng sản, xã hội Việt Nam hiện nay chỉ coi trọng vật chất. Toàn xã hội, người dân quanh năm suốt tháng chỉ biết chiến đấu vì miếng ăn, nên từ đó, xã hội ngày càng trọng vật chất một cách mù quáng. Với phần lớn dân Việt, sự giàu có được xem là thước đo cho sự thành công, ngoài ra, không xét đến những yếu tố khác làm gì.
Tại Việt Nam, người giàu thì nói hươu nói vượn gì cũng được, đều xem là khuôn vàng thước ngọc cho giới trẻ noi theo. Trên báo chí, những đại gia tham gia các game show truyền hình cứ nói như đúng rồi rằng, giới trẻ phải thế này, giới trẻ phải thế kia vv… vị đại gia này khuyên nếu làm không hợp thì cứ nhảy việc, vị đại gia khác lại coi khinh những người nhảy việc. Nói chung, mỗi người đều mang những hiểu biết của riêng mình làm thước đo cho xã hội. Với những học sinh hay sinh viên còn non nớt, ít hiểu biết và chưa từng trải, họ chẳng biết đâu mà lần.
Thực ra mà nói, mỗi người có công thức thành công riêng, trong đó vừa có nỗ lực của bản thân, vừa có may mắn. Không thể nói, bất kỳ ai thành công cũng đều chỉ do nỗ lực bản thân, và cũng không thể nói, bất kỳ ai thành công cũng hoàn toàn do may mắn. Trong cái công thức nỗ lực cộng may mắn ấy, nó cũng rất vô chừng, 1% nỗ lực và 99% may mắn, khác hoàn toàn với 99% nỗ lực và 1% may mắn.
Nói thế để thấy, cách thức thành công của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, chẳng ai giống ai. Cho nên, một vị đại gia nào đấy chia sẻ thành công, thì chỉ có ý nghĩa tham khảo, chứ nó chẳng phải là công thức thành công chung cho mọi người. Có người ví von, công thức thành công nó nhiều như dấu vân tay của con người vậy.
Thực tế, sách dạy làm giàu, kinh nghiệm làm giàu của các tỷ phú thế giới bán đầy ra đó, nếu copy những công thức của họ mà làm giàu được, thì 8 tỷ người trên thế giới này đã thành tỷ phú hết rồi. Hay các lớp dạy làm giàu mở ra tràn lan, nhưng mấy người theo học mà làm giàu được? Cho nên, câu nhận xét, công thức làm giàu cho mỗi cá nhân nó như dấu vân tay là không sai tí nào. Người này không thể copy công thức của người khác để làm giàu cho mình được.
Trong xã hội trọng vật chất này, người ta mù quáng tin vào lời nói của kẻ có tiền. Đó là dấu hiệu của một xã hội mù, mà nói theo cách miêu tả của nhà văn Dương Thu Hương, thì Việt Nam là một “thiên đường mù”. Chính vì một xã hội như thế mà các ông đại gia muốn nói hươu nói vượn gì cũng được, lên giọng dạy thiên hạ thành công như là thánh phán vậy. Một trong những con người như vậy là ông chủ cà phê Trung Nguyên – Đặng Lê Nguyên Vũ.
Một số người nhận xét rằng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ không hề bình thường, ông có dấu hiệu của bệnh tâm lý khá nghiêm trọng. Không biết, nhận xét thế đúng hay sai, tuy nhiên, những phát biểu gần đây của vị đại gia này cho thấy, ông ta có triệu chứng hoang tưởng. Không phải hễ người có tiền là nói điều gì cũng đúng, không phải người có tiền là có tầm hơn người, không phải có tiền là có đầu óc hơn người. Hoàn toàn không phải như vậy.
Mới đây, khi trả lời báo Dân Việt, khi nhiều người cho là ông Vũ lộng ngôn, nói những điều vĩ đại, ngôn ngữ bình dân gọi là “nói trên trời dưới đất”, thì ông Vũ nói “kệ đi, con se sẻ và con đại bàng suy nghĩ khác nhau”.
Trong các lớp dạy làm giàu vẫn ví những người nghĩ lớn, làm lớn, là đại bàng, còn phần còn lại là chim sẻ. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng có quan niệm như vậy. Tuy nhiên, không phải cứ có tiền thì là “đại bàng”, mà đại bàng là những bộ óc đáng ngưỡng mộ, chứ không phải bộ óc hoang tưởng. Có lẽ ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhầm lẫn ý nghĩa của từ đại bàng rồi.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://danviet.vn/ong-dang-le-nguyen-vu-co-binh-thuong-khong-20230630205720506.htm