Giáo dục XHCN: Quan ăn cỗ, dân ăn hôi. Dân muốn có chữ phải nhừ thân xác!

Ngày 21/6/1946, trả lời phỏng vấn đăng trên báo “Cứu Quốc”, ông Hồ Chí Minh nói như sau: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Thực ra, đất nước trong tay Đảng Cộng sản của ông, nên ông không cần phải ao ước gì cả. Việc của ông là phải để cho Đảng Cộng sản có hành động như thế nào, để làm sao cho ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc.

Vậy mà, giai đoạn từ sau 1975 đến 1986, thì dân không hề có cơm ăn, phải ăn sắn, ăn khoai lang hay bo bo thay thế. Mỗi người dân, mỗi năm 2 lần được mua loại “vải tám” cực kỳ kém chất lượng. Với quyền bính trong tay mà chỉ hô hào khẩu hiệu, còn chính sách thì biến xã hội bần cùng hóa, thì khác nào, ông Hồ nói một đằng còn Đảng của ông làm một nẻo?

Hai cậu ấm của ông cựu Chủ tịch EVN Dương Quang Thành là Dương Thái Anh và Dương Anh Minh du học Mỹ từ phổ thông

Nói về giáo dục, con cháu quan chức Cộng sản thời trước được học hành đến nơi đến chốn, được đưa đi du học Liên Xô hoặc Đông Âu về để cơ cấu. Trong khi đó, bao nhiêu học sinh thời chiến đều phải bỏ học, ôm súng đi vào Nam. Nếu may mắn ở lại miền Bắc, nếu không may bị tống vào Nam để tàn sát đồng bào, mà người Bắc gọi là đi B. Rồi nhiều người bỏ mạng, nhiều người tàn phế, chỉ có rất ít người may mắn trở về lành lặn.

Như vậy là, quy tắc về giáo dục, con nhà quan bao giờ cũng ăn cỗ và con dân bao giờ cũng chỉ ăn hôi mà thôi. Có người may mắn có được con chữ, nhưng rất ít, số đông là bỏ dở chuyện học hành để lấy sinh mạng ra làm nên vinh quang cho Đảng.

Cũng có những người phải nghỉ học đi B, sau khi trở về thì quay lại theo nghiệp học dù muộn. Số này cực kỳ hiếm vào thời đó. Đấy phải người cực kỳ may mắn, trở về lành lặn và vẫn còn đủ ý chí để tiếp tục con đường học hành. Phận “ăn hôi” là thế, mót được miếng ăn thì “nhừ thân xác”.

Phụ huynh phải vất vả chen lấn nộp đơn nhập học vào lớp 10 cho con

Ngày nay thì chuyện đi B không còn, tuy nhiên, việc học cũng bị phân biệt rõ ràng. Trong đó, con nhà giàu và quan chức được hưởng chế độ giáo dục tốt hơn vì có nhiều tiền. Dù không nói ra, nhưng quan chức biết rõ, nền giáo dục Việt Nam đã quá nát, và họ thường dùng tiền thu nhập bất minh từ vị trí quyền lực của mình để nuôi con cái du học Âu Mỹ rất đắt đỏ. Trong khi đó, số đông dân chúng phải ăn cho hết đống “chữ nghĩa ôi thiu” do chính nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa tạo ra.

Biết rằng nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa không tốt, nhưng rõ ràng, nó không đáp ứng đủ cho nhu cầu của toàn dân. Để vào được trường công, người dân phải vất vả xếp hàng mòn mỏi đợi chờ, mục đích là để giành cho được con chữ cho con em của mình. Với giáo dục toàn dân, Đảng Cộng sản “vứt” cho Bộ Giáo dục và Đào tạo một chút ngân sách còm cõi, cộng thêm với năng lực quản lý yếu kém từ cấp Bộ đến cấp địa phương, thì đất nước này thiếu trường thiếu lớp là chuyện tất nhiên.

Con nhà quan không dại gì phải tranh nộp hồ sơ vất vả, con quan có muốn vào trường công thì chỉ cần một tiếng “alo” là con em họ có chỗ, mà chẳng cần phải xếp hàng, chờ đợi và giành giật như thường dân. Còn nếu con quan mà được cho đi du học, thì họ như được ăn cỗ rồi. Những cậu ấm cô chiêu con nhà quan ấy, đường đường vào học môi trường tốt theo tiêu chuẩn quốc tế, và tất nhiên, được hưởng món “giáo dục ngoại” thượng hạng hơn món giáo dục nội “ôi thiu” dành cho thường dân.

Ngành giáo dục Việt Nam giờ đây không còn đường để sửa chữa. Nó đã bị lạc lối chứ không phải sai lầm. Sai lầm thì còn có thể sửa chữa, chứ lạc lối thì chỉ có thể xóa đi làm lại mà thôi. Tuy nhiên, với mục đích ngu dân hóa, thì vấn đề lạc lối này vẫn được chính quyền Cộng sản duy trì. Con chữ được Đảng vứt cho một ít, toàn dân cứ tranh nhau mà giành. Ai giành không được thì ráng chịu.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)