Năm 2017, nói về tranh chấp đất đai với người dân Đồng Tâm, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lúc đó, đã nói trước báo chí truyền hình rằng: “Nếu chúng ta sai, chúng ta xin lỗi; nếu dân sai, dân hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Vậy thì không biết công bằng ở đâu? Pháp quyền ở đâu?
Thực ra, nói về pháp quyền với nhà cầm quyền Cộng sản chỉ là “đàn gảy tai trâu”, bởi một khi kẻ nắm quyền bính trong tay không muốn thượng tôn pháp luật, thì chẳng ai làm gì được. Và tư tưởng này đã ăn sâu vào nếp nghĩ của quan chức Cộng sản. Từ tư tưởng này mới sinh ra hành động cửa quyền, hách dịch, xem dân như cỏ rác.
Sau câu nói đấy của ông Mai Tiến Dũng, thì đầu năm 2020, ông Tô Lâm cho 3.000 Cảnh sát Cơ động với súng ống, khiên, lựu đạn hơi cay, lựu đạn thật, canh lúc nửa đêm tấn công vào thôn Hoành bắt giết người dân bị mất đất. Ngày đó, lính ông Tô Lâm đã đến tận giường giết chết cụ già hơn 80 tuổi.
Hành động này chính là tội ác của Công an Cộng sản. Tuy nhiên, trên báo chí thì chính quyền lại buộc tội những người tay không tấc sắt ấy là “khủng bố”. Trong khi đó, về luật thì lực lượng cảnh sát không được cưỡng chế vào khung giờ như thế.
Đấy là cái lý của kẻ mạnh, kẻ dám đạp lên luật pháp, rồi chụp mũ người bị tấn công là phạm pháp.
Ở đây, lời nói của ông Mai Tiến Dũng và hành động của ông Tô Lâm đối với vụ Đồng Tâm là giống nhau về bản chất, đó là chính quyền luôn luôn đúng. Bất kỳ ai, dù có làm đúng, nhưng nếu trái với yêu cầu của chính quyền, thì đều là có tội. Do đó, lực lượng công an mới bị dân dán cho cái nhãn “luật là tao, tao là luật”.
Trong vụ tấn công vào thôn Hoành cách đây 3 năm, cái sai của chính quyền là cưỡng chế sai địa điểm, sai thời gian. Vậy mà phía Bộ Công an có nói một lời xin lỗi nào với dân đâu? Cho nên, cho dù chính quyền có sai đi nữa thì rất khó để họ xin lỗi dân, như lời ông Mai Tiến Dũng. Vẫn là tư duy chính quyền luôn đúng, và mọi phản ứng lại chính quyền, cho dù hợp pháp thì cũng biến thành sai mà thôi.
Ngày 5/7 vừa qua, báo Tuổi Trẻ có bài viết, “Thua kiện nhiều án hành chính, chính quyền “cù nhây” thi hành án”. Bài báo này cho biết, tháng 10/2022, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội báo cáo, có nhiều địa phương có số lượng án chưa được thi hành, còn tồn đọng rất lớn, như: Hà Nội, Đắk Lắk, Kiên Giang.
Cụ thể, báo cáo này cho hay, Hà Nội tồn đọng 35/42 bản án, chiếm 83,3%; Kiên Giang 33/44 bản án, chiếm 75%; Đắk Lắk 35/62 bản án, chiếm 56,5%… Đây là những hành động cố ý, bởi họ tự cho rằng, chính quyền không có trách nhiệm phải thi hành án, cho dù chính quyền sai.
Thực ra, nếu đào sâu vào những bản án đấy thì phải moi ra lãnh đạo nào ra quyết định sai. Nếu moi móc đến mọi ngóc ngách, e rằng quan chức từ trên xuống dưới dính chùm. Đó là lý do khi chính quyền bị phán quyết là sai, thì họ cù nhầy là vậy. Đùn đẩy, đổ lỗi, cù nhầy, là bản chất của những lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương của xứ này.
Sống trong một gia đình mà người con làm trái ý bố mẹ đều bị đánh đập và bị trừng phạt, trong khi đó, người lớn làm sai thì phủi trách nhiệm. Làm con cái trong gia đình như vậy thì rất bị ức chế và ngột ngạt. Vậy thì, làm công dân cho một đất nước, mà ở đó có loại nhà nước bị Đảng Cộng sản lãnh đạo, như Việt Nam, thì cũng y hệt như vậy, rất oan ức, rất ngột ngạt. Tất nhiên, ở đất nước này sản sinh ra dân oan nhiều không nơi nào bằng.
Và điều đáng nói là, người dân sống dưới một chính quyền như vậy, thì xảy ra án oan rất nhiều. Như vụ án Hồ Duy Hải là một ví dụ. Cơ quan điều tra mua vật chứng ngoài chợ về để ép tội dân, buộc là dân có tội, cấm cãi. Nếu dám chống lại, nhẹ thì ăn dùi cui, nặng thì vào nhà đá.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://vtc.vn/vu-viec-dong-tam-neu-sai-chung-ta-nhan-loi-dan-sai-dan-chiu-trach-nhiem-ar320531.html