Tuy nhiên, đến thời Cộng sản hiện nay thì suy nghĩ đó không còn nữa, bởi rất nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học ra không tìm được việc làm, phải chạy Grab. Hằng năm, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường quá nhiều, khiến cho lao động cứ dồn ứ.
Nguyên nhân là bởi giáo dục quá nát. Chỉ có ở Việt Nam mới xảy ra tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động. Thừa là thừa thãi những người lao động tay nghề thấp, thiếu là thiếu lao động có tay nghề cao. Điều kỳ lạ là sinh viên sau khi tốt nghiệp thì gia nhập vào đội ngũ tay nghề thấp, kỹ năng mềm kém, chất lượng tri thức ở mức thấp. Thành phần này cứ bị dồn ứ năm này qua năm khác, mà không có cách nào giải quyết.
Việt Nam là đất nước nằm cạnh “công xưởng thế giới” Trung Quốc. Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tiệm cận với mức thu nhập trung bình cao. Hiện có một lượng không nhỏ các công xưởng dần dần rời khỏi Trung Quốc, để tìm kiếm nguồn lao động rẻ hơn, bởi lao động Trung Quốc giờ đã không còn rẻ nữa.
Tuy nhiên, nhiều hãng xưởng vẫn không chọn Việt Nam, bởi nguồn lao động có chất lượng của Việt Nam còn quá thiếu thốn. Tình trạng này không được ngành giáo dục cải thiện, mỗi năm vẫn cứ bài cũ soạn lại, đó là đầy rẫy lao động kém chất lượng ra trường.
Vì tình hình ùn ứ lao động kém chất lượng như thế, nên quan điểm của người dân đã thay đổi, thà đi làm culi ở nước tư bản thì còn có cơ hội mua đất xây nhà, chứ cứ theo đuổi đại học, thì cùng lắm nhận lương mỗi tháng 8 triệu, và suốt đời không mua nổi miếng đất cắm dùi. Hoặc tệ hơn là phải chịu cảnh thất nghiệp và gia nhập đội ngũ xe ôm công nghệ đầy hiểm nguy trong xã hội trộm cắp này.
Nhiều năm qua, ở các làng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, nhiều học sinh giỏi đỗ vào các trường đại học danh tiếng ở Việt Nam, nhưng bỏ không học, mà chuyển hướng đi “xuất khẩu lao động” ở xứ người, để mong đổi đời. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do sau khi tốt nghiệp đại học nhiều em thất nghiệp, phải làm công việc trái chuyên môn, thu nhập thấp… đã khiến nhiều gia đình hướng con em mình ra ngoại quốc kiếm tiền.
Như vậy, rõ ràng là suy nghĩ của những học sinh này là hợp thời, bởi nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa đã không cho họ cơ hội được trở thành người thành công, mà còn không cho họ chất lượng tri thức đủ để làm việc kiếm tiền, cho một cuộc sống tốt. Nếu con chữ không mang lại lợi ích kinh tế, thì con chữ ấy cũng là thứ vứt đi mà thôi. Trong khi đó, dù làm culi xứ người, thì học sinh cũng học được thái độ lao động nghiêm túc, có trách nhiệm mà môi trường này dạy cho họ. Những giá trị đấy nền giáo dục Việt Nam không làm được.
Đã 77 năm, từ khi ông Hồ Chí Minh hô hào “sánh vai cùng cường quốc 5 châu”, nhưng chua chát thay, đến nay, nền giáo dục Việt Nam tạo ra nguồn nhân lực không đủ tiêu chuẩn để làm culi cho các cường quốc. Nếu những cử nhân Việt Nam muốn đi xuất khẩu lao động để đổi đời, thì họ sang xứ người cũng phải học lại toàn bộ văn hóa làm việc của xứ người. Đặc biệt là trách nhiệm, ý thức và lòng trung thực.
Đến bây giờ thì cũng nên thẳng thắn nhìn nhận là nền giáo dục Việt Nam đã hỏng nặng. Nền giáo dục đào tạo thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Bằng cấp thì hoành tráng như con voi, mà năng lực thì như con kiến. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tuyển lao động Việt phải đào tạo lại, tốt thời gian và tiền bạc.
Một nghịch lý là trường phổ thông ở Việt Nam thì thiếu, mà trường đại học lại thừa thãi. Phụ huynh vất vả chen lấn, thức đêm, xếp hàng chờ nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con nhưng không được. Nhiều học sinh trong số đó rồi cũng vào đại học. Học xong đại học rồi ra đời ngơ ngác, không biết làm gì để sống. Có người phải bỏ cái bằng để đi xuất khẩu lao động. Vậy thì, 4 năm học hành lại trở thành vô dụng. Thật là ngán ngẩm cho một nền giáo dục tệ hại, nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://thesaigontimes.vn/nhat-ban-nhan-lao-dong-viet-nam-nhieu-nhat/