Ngày 20/7, trên mạng tràn lan hình ảnh ông Bộ trưởng Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng, là người được Chính phủ cử đi ra sân bay Nội Bài đón Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thăm Việt Nam. Điều đáng nói là, tấm thảm đỏ trải ra để đón khách, đã được ông Bộ trưởng Việt Nam chiếm giữ, và đẩy ông Thủ tướng nước bạn phải đi bên lề.
Theo nghi thức tiếp đón nguyên thủ quốc gia, thì thảm đỏ dành cho khách, bất kỳ quốc gia nào cũng thế. Việc chiếm lĩnh tấm thảm đỏ dùng để mời khách, không nói lên vị thế của chủ nhà cao hơn khách, mà chỉ nói lên cái văn hóa lùn của người đi đón khách. Hành động của ông Nguyễn Văn Hùng đã bôi nhọ hình ảnh chính quyền Cộng sản trước mắt dân chúng Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Dưới ách cai trị của Đảng Cộng sản, Người Việt mắc bệnh “sĩ” một cách nặng nề. Cái thứ văn hóa này nó thể hiện qua những người hay hô hào “ngạo nghễ quá” Việt Nam ơi. Họ vơ những giá trị không thật để lấy làm tự hào. Đây là tâm lý nhược tiểu, tâm lý cảm thấy thua sút bạn bè nên mới vơ bất cứ thứ gì có thể, để làm nên những thứ “tự hào” hão.
Người có tầm cao thực sự không bao giờ cố làm mọi cách để mình cao lên. Chẳng hạn như việc ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa Việt Nam, cố chiếm giữ thảm đỏ, để chứng tỏ mình quan trọng hơn Thủ tướng của nước bạn. Tuy nhiên, hành động cố vơ lấy tấm thảm ấy, đã chứng tỏ rằng, trong con người ông Bộ trưởng kia đang mang tâm thế nhược tiểu rất rõ. Chính ông ta cố ra vẻ mình có giá trị cao, thì ngược lại, ông lại bị xã hội khinh khi, thậm chí chửi rủa, vì cách hành xử không được văn hóa với khách quý.
Người có tầm là người tự trong bản chất phải có tính khiêm nhường. Cùng lúc xuất hiện hình ảnh ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa Việt Nam chiếm thảm đỏ, là hình ảnh bà Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nhường thảm đỏ danh dự cho hai phi công Đài Loan, vừa hoàn thành chuyến bay diễn tập trở về, và cúi mình chào họ.
Người có nhân cách biết tôn trọng người khác, dù cho phi công là người có cấp bậc thấp hơn bà Tổng thống rất nhiều, nhưng họ xứng đáng được bà trọng thị, cho dù bà là Tổng thống của họ.
Hành vi của bà Thái Anh Văn cũng cho thấy rằng, người có nhân cách thừa nhận giá trị của người khác, không câu nệ vào tầng lớp xã hội. Người phi công đứng trên thảm đỏ, đơn giản vì người phi công ấy đã hoàn thành sứ mệnh, xứng đáng được trân trọng. Bà Thái Anh Văn làm thế không có nghĩa là nhân cách của bà bị hạ thấp, mà ngược lại, bà được xã hội thừa nhận.
Mới đây, mạng xã hội cũng dậy sóng với tấm ảnh đội tuyển nữ bóng đá Việt Nam bị quan chức “chặn”, trước giờ xuất phát dự World Cup. Hình ảnh này gây bão mạng, bởi nó thể hiện bản chất háo danh của quan chức Cộng sản. Buổi lễ là của các cô gái cầu thủ và thành viên ban huấn luyện. Họ là nhân vật chính và là những người phải nỗ lực hết sức mình, để mang vinh quang về cho đất nước, chứ không phải các quan chức. Và sau đó, hầu hết các tờ báo đều gỡ bỏ tấm hình này.
Bản chất của chế độ này là háo danh, họ lập ra bộ máy tuyên truyền khổng lồ, để vẽ lên những cái danh hão mà họ tạo ra. Họ vẽ nên lãnh tụ với hình ảnh của ông thánh, trong khi trên thực tế, ông ấy không phải thánh. Ông ấy là người bình thường và cũng lạm dụng quyền lực để gây ra cái chết không biết bao nhiêu người trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất và trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn 1954 – 1975.
Câu chuyện về tấm ảnh quan chức chụp chung với các cô gái cầu thủ bóng đá mới vừa lắng xuống, thì giờ đây, lại rộ lên vụ hình ảnh ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa chiếm thảm đỏ dùng để đón khách quý. Bản chất là bản chất, dù lên án như thế nào thì họ cũng chỉ giấu được một thời gian ngắn, rồi sau đó lại trồi lên mà thôi.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)