Người Việt có câu “những kẻ hay nói đạo lý là những kẻ sống không ra gì”. Không phải tự nhiên mà xã hội lại có câu nhận xét như vậy. Bởi quan sát thực tế từ những người hay nói đạo lý, và những sự thật ẩn giấu sau đó, làm cho người dân Việt đúc kết ra những nhận xét như vậy.
Mở rộng ra thì chính quyền cũng thế, chính quyền nào rao giảng đạo lí với toàn dân, thì chính quyền đó lại là chính quyền khốn nạn. Tại các nước dân chủ, người ta không cần phải lập ra bộ máy tuyên giáo khổng lồ, để rao giảng đạo lý cho toàn dân nghe. Họ không đem những tấm gương đạo đức của ai đó ra dạy cho dân, phải sống theo tấm gương này, phải học theo tấm gương khác, mà họ chỉ làm một điều là diệt cái xấu, cái ác. Một khi cái xấu bị diệt, bị ngăn cản không cho nảy nở, thì cái tốt hiển nhiên sẽ phát triển. Chỉ đơn giản là vậy.
Từ thời mới cướp chính quyền, Đảng Cộng sản đã rao giảng đạo đức. Họ rao giảng rằng, chính sách Cải cách Ruộng đất là để mang lại ấm no cho tầng lớp lao động. Tuy nhiên, thực tế thì nó lại diễn ra theo cách giết chóc kinh hoàng. Có đến 172.000 người bị hành quyết bằng hình thức đấu tố, mà không cần thông qua bất kỳ quy trình tố tụng nào. Oan khuất ngất trời.
Sau khi thừa nhận sai lầm, ông Hồ Chí Minh dùng khăn mùi xoa lau nước mắt, như tỏ vẻ “ăn năn”. Thế là, Bác vẫn vĩ đại, bất chấp những tội ác man rợ kia. Chiến dịch giết người quy mô này bị Đảng Cộng sản đổ lỗi cho thành phần bên dưới. Họ tuyên truyền rằng, do bên dưới thực hiện sai, chứ còn chủ trương của Đảng là “rất nhân văn”. Nhân văn mà cho phép hành quyết người dân bằng những phương pháp cực kỳ man rợ, sau khi tổ chức đấu tố, và không qua bất kỳ quy trình tố tụng nào. Thật là kinh hoàng, thật không còn tính người.
Bản chất là bản chất, chế độ này không bao giờ thay đổi được. Đến thời nay, khi mà quan chức tham nhũng nhung nhúc không đếm nổi, thì Đảng Cộng sản vẫn lặp lại giọng điệu tuyên truyền cũ rích: Đảng không sai, chính sách của Đảng rất “nhân văn”, chỉ có những người cấp dưới thực hiện sai. Và rồi đổ tất cả tội lỗi cho những quan chức đã bị lộ, còn người chưa bị lộ thì xem như “không sai”.
Đảng không sai mà Đảng sinh ra hàng loạt quan chức làm sai? Những chính sách mang lại cái đói khủng khiếp cho toàn dân sau 1975 là đúng sao? Mô hình kinh tế quan liêu bao cấp là đúng sao?
Ngày 25/7, tờ báo Công an Nhân dân có bài viết “Để không còn chuyện “đen thôi, đỏ quên đi””. Tác giả viết rằng: “Bài học đau xót về việc lợi dụng những chính sách nhân văn, cao cả của Nhà nước, chà đạp lên tình đồng loại để trục lợi”. Đây vẫn là miệng nói đạo lý, nhưng thực hiện như thế nào thì không cần phải phân tích thêm nữa, vì ai cũng đã rõ.
Thực chất, chuyến bay giải cứu là tham nhũng chính sách. Khi mà những người đại diện cho nhà nước ở tầng cao ra những chính sách có lợi cho họ và nhóm lợi ích của họ. Đấy là những “trùm cuối”. Tất nhiên, để che đậy mục đích trục lợi, thì phải áo lên mình những chính sách đó một ý nghĩa nhân văn nào đấy. Bản chất của những kẻ xấu xa là hay nói đạo lý, bởi những lời nói đạo lý là tấm màn che đi những toan tính bẩn thỉu đằng sau.
Trước đây, khi thực hiện chính sách Cải cách Ruộng đất, mục đích của ông Hồ Chí Minh là loại bỏ thành phần có học, có tài sản. Bởi thời đó, chỉ có con nhà giàu mới được học hành, còn thành phần bần cố nông là mù chữ. Những người có học được xác định là thành phần “khó bảo” đối với chế độ, và ông Hồ đã nhẫn tâm ra tay với họ, và còn áo cho nó một ý nghĩa “nhân văn” giả tạo.
Làm chính trị của Cộng sản là phải dùng những chiếc áo “đạo đức nhân văn”, để phủ lên những hành động đáng kinh tởm. Với một xã hội bị ngu dân hóa thì chiêu này vẫn còn tác dụng. Tuy nhiên, còn may mắn là, không phải ai bị nhồi sọ dưới nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa, cũng bị mê muội tin theo Đảng. Vẫn còn đó những tiếng nói lý trí, để lật tẩy chiêu trò của Đảng.
Thu Phương – (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://cand.com.vn/Chuyen-de/de-khong-con-chuyen-den-thoi-do-quen-di-i701555/