Trong khi bà Nguyễn Phương Hằng đang bị tạm giam tại Công an TP HCM, thì ông Huỳnh Uy Dũng, tức Dũng Lò Vôi, lại yêu cầu cơ quan điều tra cho giám định tâm thần đối với vợ mình. Ngay sau đó là phản ứng dữ dội của ông Nguyễn Quang Tuấn – con trai riêng của bà Nguyễn Phương Hằng.
Ngày 21/2, ông Tuấn nộp đơn xin cứu xét lên Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM, để phản đối việc ông Huỳnh Uy Dũng yêu cầu cơ quan chức năng giám định tâm thần cho bà Hằng. Ông Tuấn nói: “Tôi không đồng ý với yêu cầu của ông Huỳnh Uy Dũng hay của luật sư Danh Tín về việc trưng cầu giám định tâm thần đối với mẹ tôi”.
Ông Huỳnh Uy Dũng đưa ra yêu cầu, và luật sư Danh Tín nhiều lần gửi đơn, yêu cầu Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, trưng cầu giám định tâm thần đối với bà Nguyễn Phương Hằng, với lý do, đây là tình tiết để được bảo lãnh và giảm nhẹ cho bà.
Tuy nhiên, đây có thể chỉ là lý do vỏ bọc bên ngoài, ẩn đằng sau nó, có thể có ý đồ khác, là vấn đề liên quan đến sở hữu tài sản chung. Bởi vì, người bị bệnh tâm thần bị hạn chế về quyền thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như các quyết định liên quan đến tài sản.
Từ đây, cuộc chiến giữa con trai riêng của bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng ngày một trở nên căng thẳng. Có vẻ như, đơn của ông Nguyễn Quang Tuấn gửi lên Công an TP HCM không đủ mạnh, nên ông Nguyễn Quang Tuấn lại đâm đơn kiện ông Huỳnh Uy Dũng lên Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, tố giác ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “Lò Vôi”) có hành vi “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan này đã gửi đơn của ông Tuấn, trả về Công an TP HCM để thực hiện việc điều tra.
Việc ông Nguyễn Quang Tuấn đâm đơn lên Bộ Công an cho thấy, Công an TP HCM đã phớt lờ những lá đơn của ông này, nên ông mới kiện vượt cấp. Tuy nhiên, Bộ Công an và Công an TP HCM vốn là “thầy trò”. Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP HCM, là người được Tô Lâm ưu ái, giao cho chức vụ béo bở bậc nhất Việt Nam.
Không chịu đầu hàng, ông Tuấn lại tiếp tục đâm đơn kiện ông Huỳnh Uy Dũng lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, để hy vọng được cứu xét. Nhưng, ngày 18/7, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã chuyển đơn của ông Nguyễn Quang Tuấn đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM.
Như vậy là, cả 2 đơn kiện vượt cấp đối với ông Huỳnh Uy Dũng của con trai bà Hằng, đều bị trả về Công an TP HCM. Ngày 26/7, Công an TP.HCM đã kết luận, chưa có dấu hiệu xác định ông Dũng vi phạm hình sự.
Vậy là, xem như, mọi nỗ lực của con trai riêng của bà Phương Hằng, nhắm vào ông Dũng Lò Vôi, đều bị vô hiệu hóa.
Câu chuyện về việc bắt giam bà Nguyễn Phương Hằng, không hẳn chỉ là chuyện livestream cãi vã trên mạng xã hội, mà có thể, ẩn đằng sau đó là câu chuyện gia đình của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng. Qua những gì mà các cơ quan thực thi pháp luật đối xử với những lá đơn kiện của con trai bà Nguyễn Phương Hằng, thì cho thấy, thế và lực của ông Huỳnh Uy Dũng còn mạnh lắm. Có vẻ như, con trai bà Nguyễn Phương Hằng không phải là đối thủ của ông Dũng Lò Vôi.
Điều luật 331 là một điều luật mơ hồ, chính quyền Cộng sản có thể dùng nó để áp tội cho bất kỳ ai mà họ muốn bắt. Đó là công cụ của chế độ, để hợp pháp hóa hành vi bắt người bừa bãi. Trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, hầu hết những người bị bắt đều dính điều luật này. Điều này cho thấy, chính quyền muốn dọn dẹp những người tham gia cuộc ẩu đả này. Đặc biệt là bà Nguyễn Phương Hằng, người dám nói dám làm và không biết sợ ai.
Có người nói rằng, Điều 331 cùng với vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, là cách mà chế độ này sử dụng, để tạo ra một tiền lệ, để luật hóa ý chí của nhà cầm quyền. Từ nay về sau, nhà cầm quyền có thể bắt người bừa bãi, nhưng lại dưới danh nghĩa là “dựa vào luật pháp”. Nó là loại công cụ “vạn năng” của chính quyền.
Thu Phương – ( Tổng hợp)
Link tham khảo