Link Video: https://youtu.be/INLGCeVn-ZI
Theo thông tin từ BBC ngày 30/7 cho biết, nhiều người dân thuộc sắ́c tộc K’Hor ở tỉnh Lâm Đồng đang phản đối chính quyền xây dựng dự án Hồ thuỷ lợi Ta Hoét, tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, BBC dẫn nguồn thông tin từ người dân nơi đây nói rằng, vào ngày 18/4 vừa qua, người dân đã gửi đơn kiến nghị huỷ bỏ dự án hồ thủy lợi Ta Hoét, đến Thủ tướng Phạm Minh Chính.
BBC cho biết, vấn đề này đã âm ỉ từ lâu nay nhưng việc giải quyết bị một số người dân cho là chưa thỏa đáng.
Một người dân thôn K’Rèn nói về vụ tranh chấp đất đai với BBC trong điều kiện ẩn danh rằng:
“Người dân muốn được bồi thường, định canh một cách xứng đáng, như họ đang canh tác. Đa số bà con chủ yếu làm nông nghiệp, mưu sinh nhờ đất đai như trồng lúa, rau quả, hoa màu… nên có người không muốn bán đất để làm hồ Ta Hoét. Theo tôi thấy thì chưa tới 10% người dân, trong tổng số gần 400 hộ dân đồng thuận để chính quyền lấy đất.”
“Chính quyền địa phương nói làm hồ Ta Hoét có lợi cho người dân để tưới nước, đây là lý do không phù hợp. Nhưng đó là lý do của họ, những người dân ở Liên Nghĩa, Đức Trọng đâu có thiếu nước. Chính quyền ở đó thì cũng bị lấy đất để chính quyền làm hồ. Dân ở đó thì không phản đối quyết liệt như ở làng K’Rèn nên kết cục là họ bị mất đất.”
Cũng theo người này thì: “Mâu thuẫn này đã có tận từ năm 2010, nhưng khi đó trưởng thôn làng K’Rèn thì rất gắt gao về đất đai. Công ty Hàn Quốc này vào năm 2010 đã đi mua hai, ba ngọn núi, nhưng chỉ mới ủi, nói để làm sân golf. Từ năm 2010 đến 2017, 2018, ông trưởng thôn mới lên thì tôi không rõ giữa ông ấy và chính quyền có gì với nhau hay không, nhưng ông trưởng thôn đã gợi ý dân bán đất đi, nhưng người dân không chịu. Và chỉ có ông trưởng thôn đó bán đất cho chính quyền thôi.”
BBC dẫn lời Luật sư Trần Đình Dũng, người bảo vệ quyền lợi cho người dân trong vụ tranh chấp đất cho biết: “Dự án hồ chứa nước Ta Hoét thu hồi 27 ha ruộng lúa nước và gần 200 ha đất rau màu. Phần thu hồi chính là thung lũng bằng phẳng mà người K’Hor ở làng K’Rèn mưu sinh bằng trồng trọt lúa và rau màu. Làng K’Rèn có lịch sử hình thành khoảng 500 năm, đất này nhiều thế hệ đời người K’Hor mưu sinh.”
“Hiện tại đơn từ của người dân nơi đây khiếu nại có nội dung yêu cầu địa phương bố trí đất tương tự để tái định canh nhưng chưa được giải quyết. Đổi đất tái định canh là một chính sách pháp luật Chính phủ Việt Nam thực hiện nhằm bảo đảm cuộc sống cho người dân ở các vùng nông thôn, trong đó ưu tiên đối với các sắc tộc ít người để họ tồn tại và phát triển“, ông cho biết.
Trong khi đó, BBC dẫn nguồn truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin người dân tộc tại thôn “bị các thế lực phản động kích động” và cho biết dự án sẽ cung cấp nước tưới cho đất nông nghiệp và nước sinh hoạt.
Theo Báo Lâm Đồng, một tờ báo thuộc kiểm soát của chính quyền nơi đây, thì nói : “Lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo; đặc biệt, sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số, các thế lực phản động “tranh thủ” triệt để thực hiện âm mưu chống phá Đảng và chính quyền, Nhà nước Việt Nam là điều không còn xa lạ!”
BBC cho biết thêm, đây không phải là lần đầu tiên có tranh chấp đất đai ở Việt Nam.
Trên thực tế, ở VN, quốc gia một phần đông dân số sống bằng nghề nông mà vấn đề sở hữu đất đai không được quy định rõ ràng, nhiều năm qua đã xảy xung đột quanh chủ đề đất đai.
Việc phân bổ đất đai mang tính hành chính vì đất đai thuộc quyền định đoạt của nhà nước – khái niệm ‘sở hữu toàn dân’ bị chỉ trích là mơ hồ – nhưng giá trị đất lại do thị trường đánh giá, với quỹ đất là tài sản có giới hạn, khiến các vấn đề nảy sinh gần như luôn đi vào bế tắc.
Tính từ vụ biểu tình lớn vì đất đai tại Thái Bình vào năm 1997, bạo loạn Tây nguyên vào năm 2004, cưỡng chế đất tại Văn Giang (Hưng Yên) vào năm 2012, tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào năm 2017…chính quyền thường xác định chủ trương chính sách luôn đúng nhưng việc thực hiện ở cấp địa phương có điều bất cập.
Xuân Hưng
>>> Điều 360 Bộ luật Hình sự và trách nhiệm của Đảng
>>> Kết thúc sơ thẩm vụ “chuyến bay giải cứu”, không xem xét quyền lợi người dân.
>>> Chùa Ba Vàng: Thu tiền công đức hơn 4,16 tỷ đồng, chi hết cho từ thiện
>>> Những bình luận xung quanh án chung thân của Hoàng Văn Hưng
Ai rồi cũng thành quan tham