Link Video: https://youtu.be/ubqjPhQnE54
Ngày 1/8, một bản tin trên RFA Tiếng Việt cho biết, “Người Philippines biểu tình trước Đại Sứ quán Việt Nam ở Manila chống đánh bắt cá”.
Theo đó, hàng chục người Philippines thuộc nhóm chiến binh Makabansa, hôm 1/8 đã tổ chức một cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam, tại quận Malate, ở thủ đô Manila.
RFA dẫn tin từ Philippine cho biết, nhóm lên án hành động được cho là quân sự hóa Biển Tây Philippines (tức Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam), và kêu gọi Việt Nam ngừng đánh bắt cá dọc theo bờ biển của Nhóm đảo Kalayaan (thuộc quần đảo Trường Sa).
Các hình ảnh chụp tại cuộc biểu tình cho thấy, nhóm này đã xé cờ đỏ sao vàng được in trên giấy bìa cứng, đồng thời mang theo các biểu ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Phi như: “Việt Nam ngừng ngay quân sự hóa nhóm đảo Kalayaan“, “Hòa bình chứ không chiến tranh“, hay “Bảo vệ và phòng thủ nhóm đảo Kalayaan“.
Bình luận về sự kiện này, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc khẳng định: “Philippines không có một chứng cứ lịch sử hay cơ sở pháp lý nào để đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa”, đăng trên trang Bauxite Việt Nam ngày 2/8.
Ông Đinh Kim Phúc cho rằng: Mục đích của âm mưu này không ngoài việc rêu rao hoạt động xây đảo của Việt Nam, xem Việt Nam là kẻ gây hấn lớn ở quần đảo Trường Sa, chia rẽ Việt Nam với Philippines, Malaysia, cũng như hướng dư luận Philippines có thái độ không thân thiện với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, phá hoại sự đoàn kết trong ASEAN.
Song, theo ông Phúc, Makabansa không hẳn đại diện cho người Philippines.
Ông Phúc dẫn bình luận của tác giả Raul Pangalangan, người Philippines, ngày 14/3/2008 nói rằng:
“Quyền của chúng ta đối với các đảo của mình có xuất phát điểm từ Hiệp ước Hòa bình 1898 giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ: “Tây Ban Nha nhượng cho Hoa Kỳ quần đảo được biết như là các hòn Đảo của Philippines, và bao gồm những đảo nằm trong phạm vi đường ranh giới dưới đây... Điều này có ý nghĩa đặc biệt, vì Trường Sa nằm trong những đường ranh giới được phân chia đó, thuộc phạm vi quy định của hiệp ước đó.”
Vẫn theo ông Phúc, ngày 24/3/2008, Tham mưu trưởng quân đội Philippines, Đại tướng Hermogenes Esperon cho biết, ông đã bị bà Arroyo (Tổng thống Philippines lúc đó) khiển trách, khi ông báo cáo là chuẩn bị đến thăm dãy đảo Kalayaan (thuộc Trường Sa).
Ông Đinh Kim Phúc dẫn một bằng chứng khác, đó là Hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines ngày 21/5/1984, không coi quần đảo Kalayaan là bộ phận lãnh thổ của Philippines.
Một sự kiện khác có liên quan, đó là việc Philippines chặn tàu đánh cá Việt Nam tại Bãi Cỏ Rong vào ngày 9/2, được các bản tin tiếng Anh đưa tin.
Theo đó, các thành viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã tiếp cận một tàu cá treo cờ Việt Nam trên vùng biển mà họ cho rằng, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Manila ở Biển Đông. Trên thực tế, Bãi Cỏ Rong nằm trong vùng biển tranh chấp giữa Việt Nam và Philippines, hiện do phía Philippines kiểm soát, nhưng Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Bãi Cỏ Rong, người Philippines gọi là Recto Bank, là một rạn san hô chìm dưới nước, nằm về phía đông bắc quần đảo Trường Sa, ngoài khơi đảo Palawan của Philippines, nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên khổng lồ.
Hiện nay, quần đảo Trường Sa đang là đối tượng tranh chấp của 6 bên, bao gồm Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Các bên đều có những yêu sách chồng lấn ở Biển Đông, bao gồm cả Bãi Cỏ Rong và Nhóm đảo Kalayaan.
Đảo Thị Tứ mà Philippines đang kiểm soát là đảo lớn thứ hai về mặt diện tích trong quần đảo Trường Sa.
Gần đây, Philippines đã tăng cường tuần tra ở Biển Đông, và đây là chỉ thị của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.s, nhằm “tăng cường và gia tăng” sự hiện diện của họ trong khu vực.
Lực lượng Bảo vệ Bờ Biển Philippines cũng đã lên các tàu đánh cá của Philippines ở vùng biển trong và xung quanh Nhóm đảo Kalayaan, để tư vấn cho ngư dân địa phương liên lạc với họ, hoặc các đơn vị bờ biển của Lực lượng Vũ trang Philippines trong khu vực, để được hỗ trợ khi cần thiết.
Ý Nhi
>>> Câu chuyện kiểm duyệt nghệ thuật tại Việt Nam.
>>> Tin tặc theo dõi, tống tiền dính tới nhà nước Việt Nam
>>> ‘Chuyến bay giải cứu’: những câu hỏi chưa thể trả lời.
>>> Vatican đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, có phải Satan đã lùi bước?
“Ấn Độ – Thái Bình Dương” – một thực thể địa chính trị mới