Nếu nền kinh tế dựa vào nguồn lực từ sản xuất công nghiệp, thì đấy nền kinh tế có nền tảng vững chắc. Nhìn lại nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc họ dựa vào cái gì? Nền kinh tế của 2 quốc gia này ai cũng biết là dựa vào khoa học công nghệ.
Đã nói đến khoa học công nghệ, thì nói đến nền kinh tế tri thức. Ngay cả những quốc gia không nổi tiếng về sản phẩm công nghệ trên thế giới, thì phần kinh tế dịch vụ của họ cũng dựa vào chất xám nhiều hơn là dựa vào lao động chân tay như Việt Nam.
Được biết, thị trường bất động sản và các ngành nghề liên quan, những năm vừa qua đóng góp trên 20% cho GDP của Việt Nam. Một tỷ lệ được cho là quá cao trong nền kinh tế. Chính vì thế mà sự trồi sụt của thị trường bất động sản kéo theo nền kinh tế đất nước khốn đốn.
Việt Nam đã qua 2 năm sau đại dịch, nhưng nền kinh tế vẫn cắm đầu trong bể khó khăn. Cùng lúc đó là thị trường bất động sản đóng băng, các đại gia bất động sản lần lượt xộ khám. Đỗ Anh Dũng, Trịnh Văn Quyết, Trương Mỹ Lan đều là đại gia bất động sản. Ngoài ra, đại gia Lê Thanh Thản – người đang dính quá nhiều sai phạm – cũng là đại gia bất động sản.
Ngành bất động sản tạo ra sản phẩm của nó là nhà ở, chung cư, khu thương mại… Nhà không thể xuất khẩu, nên cuối cùng, nhà làm ra rồi bán cho người Việt (cũng có bán cho người nước ngoài nhưng không đáng kể). Việc mua đất, xây nhà, rồi thổi giá đất lên cao chót vót để kiếm lời, là cách làm giàu kiểu “móc túi”, chứ không phải làm giàu bằng cách tạo ra sản phẩm tiêu dùng cho xã hội, như các ngành sản xuất.
Đầu tư bất động sản giàu rất nhanh, nhưng đó là cách làm giàu cho các đại gia, chứ đất nước không thể giàu lên được. Người này giàu lên thì ắt có người kia nghèo đi. Lấy ví dụ như vụ Thủ Thiêm thì rõ, nhà nước lấy đất của dân 18 triệu đồng/m2, nhưng giao cho doanh nghiệp bán ra đến 350 triệu đồng/m2. Thế mới tạo ra dân oan khắp đất nước. Đấy là hình thức làm giàu theo kiểu tước mất tài sản của người nghèo, người thấp cổ bé họng.
Vì lâu nay, nền kinh tế của đất nước này không dựa vào chất xám, mà phụ thuộc quá nhiều vào bất động sản. Nên dù biết, cứu bất động sản thì người dân sẽ càng vuột mất cơ hội an cư, nhưng không có cách nào khác, buộc phải cứu. Công nghệ Việt Nam có gì? Chẳng có gì cả. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa sản xuất được con ốc vít đúng tiêu chuẩn quốc tế, thì nền kinh tế này làm sao đứng trên đôi chân công nghệ được.
Có người cho rằng, Việt Nam nay đã khác, đã có VinFast sản xuất được xe mang thương hiệu Việt. Tuy nhiên, vụ bê bối lộ tẩy VinFast đặt hàng từ A đến Y ở Trung Quốc, rồi mang về Việt Nam lắp ráp và dán thương hiệu Việt, thì một lần nữa, chứng minh rõ ràng rằng, nền công nghệ Việt Nam là con số không tròn trĩnh.
Khi nền kinh tế đã lao dốc, thì với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, ông Phạm Minh Chính sẽ bế tắc trong vấn đề vực dậy nền kinh tế. Bởi nền kinh tế sản xuất gia công của Việt Nam phụ thuộc vào đơn đặt hàng từ nước ngoài. Muốn vực dậy nền sản xuất cũng khó, bởi có yếu tố bên ngoài chi phối. Giờ chỉ còn tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, mặc dù ông Thủ tướng thừa biết, bất động sản mà hồi phục lại, thì lại tiếp tục thổi bong bóng vào thị trường, khiến cho người dân càng ngày càng mất cơ hội sở hữu nhà.
Một nền kinh tế phải dựa vào bất động sản quá nhiều, là nền kinh tế què quặt. Việt Nam sẽ không thể phát triển được nếu cứ dựa dẫm vào lĩnh vực này để lấy con số tăng trưởng. Việc thổi bong bóng vào thị trường bất động sản cũng dẫn đến vòng luẩn quẩn. Bất động sản phát triển nóng, sau nóng là đóng băng, sau đóng băng là giải cứu. Cứ như vậy, vòng tuần hoàn lặp lại. Các đại gia bất động sản thì được cứu, còn người dân thì ngày càng mất cơ hội an cư. Để giải cứu nền kinh tế, rõ ràng, ông Phạm Minh Chính đang bế tắc.
Thu Phương – (Tổng hợp)