Sau khi đại dịch Covid 19 bùng phát trên toàn cầu, thời gian đầu – năm 2020 – Việt Nam là một trong những quốc gia được Quốc tế đánh giá cao trong việc kiểm soát và phòng chống Covid. Lúc đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong một phát biểu tại Quốc hội, còn ảo tưởng khi cho rằng, “Cột điện ở Mỹ mà biết đi cũng sẽ về Việt Nam”.
Sau đó, đại dịch Covid đã hoành hành, nhà nước Việt Nam hầu như mất kiểm soát. Và trớ trêu, cũng là lúc, các quan chức ở Việt Nam, mọi cấp, mọi ngành, từ Trung ương đến địa phương, phát hiện ra “chùm khế ngọt” của ngân sách, với chủ trương chống dịch bằng mọi giá để “trèo hái”.
Vấn đề là, vụ test kit Covid của Công ty Việt Á đóng góp không nhỏ cho con số tử vong trong đại dịch, con số hơn 43 nghìn nạn nhân chết oan ức vì nhiều lý do. Chủ trương “xét nghiệm trên diện rộng và thần tốc” đã giúp cho Việt Á kiếm bộn tiền để hưởng lợi và biếu xén cho các quan chức. Đến nay, vẫn chưa có ai nhận trách nhiệm và xin lỗi nhân dân.
Tháng 7/2021, trong phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ, đã đưa ra cảnh báo, về việc ngành y tế có dấu hiệu tham nhũng. Thậm chí, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15, ngày 10/11/2021, khi các đại biểu Quốc hội nêu tình trạng sai phạm trong đấu thầu và mua bán vật tư chống dịch, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó, nói: “Đây là những vụ việc hết sức đau lòng. Mặc dù các quy định về đấu thầu đã có, nhưng vẫn có vi phạm, tham ô, tham nhũng. Chúng tôi lên án, các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo đúng pháp luật”.
Phát biểu vừa kể của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng giống như phát biểu của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nói rằng, “cứ tham nhũng thì phải tử hình”.
Mới nhất, kết luận điều tra của C03 Bộ Công an về đại án Việt Á, khẳng định, Bộ trưởng Long nhận hối lộ của Công ty Việt Á hơn 51 tỷ (2,25 triệu USD), trên tổng số 106 tỷ đồng mà Giám đốc Công ty Việt Á khai đã dùng để hối lộ. (Có lẽ chưa tính đến số tiền hối lộ 42,6 tỷ, mà Bộ trưởng được chia trong vụ án chuyến bay giải cứu, mà Phạm Trung Kiên, Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên là người nhận).
Cũng như Nguyễn Đức Chung hiện đang thụ án cả chục năm tù về tội tham nhũng, cũng như vụ “kiếm chác” của Bộ trưởng Long, khiến cho người ta phải nghi ngờ về đạo đức của các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay, trước các cơ hội “hái ra tiền”.
Vấn đề nghiêm trọng là, trong bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ có Bộ trưởng Long và Chủ tịch Chung, mà kết luận điều tra của Bộ Công an đã chỉ rõ, số tiền hối lộ của Công ty Việt Á được chia cho các quan chức, cụ thể như sau:
“Để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm test kit được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, tạo điều kiện hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được Phan Quốc Việt nâng khống, Phan Quốc Việt đã đưa tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho một số bị can như: Nguyễn Văn Trịnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ 200.000 USD; Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN 200.000 USD; Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN 50.000 USD; Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ KH&CN 350.000 USD; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh, nguyên thư ký Nguyễn Thanh Long 4 tỷ đồng, Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & công trình y tế Bộ Y tế 300.000 USD; Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế 100.000 USD.”
Song, một vấn đề quan trọng hơn, đó là sự tránh né, liên quan tới vấn đề rất đơn giản: “Ai là trùm cuối, ai nắm giữ 80% cổ phần của Công ty Việt Á, tại sao Bộ Công an không có câu trả lời?”.
Điều đó liên quan gì đến chủ trương “phân hóa nội bộ” các quan chức tham nhũng, theo đó, có thể giảm nhẹ hay miễn truy tố cho một số đối tượng “không chủ ý tham nhũng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Song, điều này chắc chắn đi ngược với chủ trương, “Chống tham nhũng không có vùng cấm”, nhưng có vùng né.
Dư luận xã hội còn quan tâm tới vấn đề, ai là người đã đề cử Nguyễn Thanh Long (cựu Phó ban Tuyên giáo) và hàng loạt các quan chức tham nhũng thuộc diện cán bộ do Trung ương quản lý? Và người đề cử cũng như phê duyệt các phương án nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, đã thực hiện tự kiểm điểm, phê và tự phê, về trách nhiệm của người đề cử trong việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp uỷ tại đại hội Đảng các cấp, được quy định trong Hướng dẫn số 03-HD/TW, ngày 20/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương?
Đừng quên, các vị phải trả lời cho nhân dân được biết và công luận được rõ, mà không thể trốn tránh trách nhiệm.
Vũ Anh – Thoibao.de