Thiếu lòng tin, người Việt bẫy nhau, vì đâu nên nỗi?

Có lẽ, người Việt Nam đi du lịch Thái Lan nhiều, bởi du lịch Thái Lan vừa gần vừa giá cả phải chăng, và môi trường xã hội lành mạnh hơn Việt Nam nhiều. Người Thái không hút chích tràn lan như Việt Nam, không cướp giật, không nói thách và không chèo kéo. Tuy về thu nhập bình quân đầu người, người Thái chỉ gấp đôi người Việt, nhưng sự tử tế, người Thái hơn người Việt rất nhiều.

Tại Thái Lan, dù là chợ trời hay chợ cá truyền thống, thì không bao giờ tồn tại văn hóa nói thách như người Việt Nam. Toàn chợ gần như bán cùng một giá với một loại hàng hóa. Điều này khiến cho những người buôn bán cùng mặt hàng tương trợ nhau, chứ không phá giá nhau. Nó cũng giúp cho người mua không bị văn hóa trả giá chèn ép. Ngược lại, người bán thì không bao giờ nói thách để lừa dối người mua.

Nói thách và chặt chém khách hàng là nét văn hóa rất đáng xấu hổ của người Việt

Việc buôn bán mà trong đó, người bán nói thách và người mua ngã giá, là hình thức bẫy nhau. Đây không phải là truyền thống, mà là hệ quả của một xã hội, trong đó con người không tin tưởng lẫn nhau. Chính vì cách bẫy nhau như thế này, người Việt đã tốn quá nhiều năng lượng, chỉ để bẫy nhau, kiếm chút lợi lộc  về mình. Trong khi đó, những dân tộc khác dựa vào lòng tin, bán đúng giá, bán có trách nhiệm, và vì thế, sẽ không có chuyện ai bẫy ai, và ai phải dính bẫy ai cả. Làm thế để làm gì?

Mới đây, mạng xã hội xôn xao về clip, một du khách Nhật bị một tiểu thương chợ Bến Thành, Quận 1, TP.HCM, nói thách một đôi tất giá 700.000 đồng, gấp hơn 10 lần giá trị thật. Một hình ảnh cực kỳ đáng xấu hổ cho văn hóa gài bẫy của người Việt. Sau khi clip lan truyền mạnh mẽ, Ban Quản lý Chợ đã đưa hình thức xử phạt là đình chỉ kinh doanh 7 ngày đối với sạp kinh doanh này.

Phạt chỉ là cách làm hạ nhiệt dư luận mà thôi. Nó không có tác dụng chấn chỉnh được lối buôn bán chụp giật của người Việt, tại các khu chợ trên cả nước. Văn hóa gài bẫy này đã ăn quá sâu vào đời sống xã hội, thì làm sao mà tẩy cho được.

Một khi xã hội thiếu vắng lòng tin, thì con người trở nên nghi kỵ lẫn nhau. Không nghi kỵ sao được, khi mà nơi đâu cũng trộm cướp, cũng móc túi đầy rẫy. Ở Việt Nam, dù chỉ là quán ăn nhỏ, thì trước quán cũng cần có người trông giữ xe cho khách, nếu không, xe sẽ bị mất cắp.

Một bậc cao niên đã sống qua hai chế độ tại Sài Gòn cho biết, trước năm 1975 ở miền Nam, có loại cây xăng tự phục vụ, nhưng sau 1975, thì loại hình cây xăng này biến mất. Lòng tin về con người càng về sau càng ít dần đi. Ngày nay, nạn trộm cắp không chỉ xảy ra vùng thành thị mà cả vùng nông thôn. Cái xấu len lỏi ở mỗi ngõ ngách, lòng tin giữa con người với nhau đã cạn từ lâu.

Thượng bất chính thì hạ tất loạn. Muốn biết vì sao đất nước Việt Nam lại trở nên như vậy, thì hãy nhìn thượng tầng chính trị. Đảng Cộng sản có phải là Đảng cầm quyền tử tế với dân mình bao giờ đâu? Họ cướp của dân bằng đủ mọi hình thức, như dựa vào thiên tai để gây thêm nhân họa mà trục lợi, họ tham ô, họ cướp đất của dân, biến nạn nhân thành dân oan vv… Với một chính quyền như vậy, thì làm sao họ xây dựng được một xã hội có niềm tin?

Để có một xã hội có đạo đạo đức, con người tin tưởng lẫn nhau, thì chính quyền phải làm cho dân tin tưởng trước, chính quyền phải biết thượng tôn pháp luật. Chứ còn với tư tưởng “Chúng ta sai chúng ta xin lỗi dân, còn dân sai dân hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, thì làm sao xây được lòng tin cho xã hội?

Và cả với lực lượng công an, họ đã biết tuân thủ luật pháp bao giờ đâu? Họ tự cho là họ luôn đúng, còn dân thì luôn sai, mỗi khi giữa dân và công an có mâu thuẫn. Vậy thì, tìm đâu ra một xã hội có lòng tin lẫn nhau?

Còn về giáo dục, giáo dục đã truyền đạt những giá trị nhân bản, nhân văn và khai phóng đâu? Giáo dục chỉ là một thứ công cụ cho Đảng, thì làm sao tạo ra xã hội tử tế đây? Xã hội này nát cũng bởi hai từ “Cộng sản”.

Thu Phương(Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://tuoitre.vn/cho-ben-thanh-dinh-chi-kinh-doanh-sap-hang-vu-3-doi-vo-700-000-dong-20230822161700738.htm