Link Youtube: https://youtu.be/GH7QgSQNf_A
Ngày 5/9, báo Tiếng Dân có bài “Phá rừng làm hồ thủy lợi: Chữa bệnh bằng cách uống thuốc độc” của tác giả Thái Hạo.
Tác giả Thái Hạo cho biết, hơn 600 ha rừng giàu hàng trăm năm tuổi của Bình Thuận đang sắp bị xóa sổ để làm hồ thủy lợi, dư luận cả nước bàng hoàng.
Bàng hoàng vì không thể hiểu tại sao người ta có thể lạnh lùng đặt bút để ký, khai tử nốt những mảnh rừng nhỏ nhoi cuối cùng còn sót lại của một quốc gia nhiệt đới, nhưng chỉ còn diện tích rừng khoảng 2%, riêng rừng nguyên sinh chỉ còn 0,25% (!).
Bàng hoàng bởi vì tại sao người ta lại không biết một điều giản dị: rừng chính là nước. Không còn rừng thì nước cũng hết, lúc ấy, những hồ thủy lợi chỉ còn dùng để chứa nước mùa mưa, còn mùa khô trơ đáy. Muốn có nước thì phải giữ rừng, trồng rừng, đó là nguyên tắc tối thiểu.
Tác giả Thái Hạo bình luận, một dải cát trắng nhức nhối mấy trăm cây số của Nam Trung bộ, thuở xưa vừa nhìn tưởng sa mạc, nhưng không, nó trù mật và cuồn cuộn sự sống. Vì sao? Vì Tây Nguyên là rừng. Rừng giữ nước, dòng nước len lỏi bất tận từ dãy Trường Sơn luôn ăm ắp trong lòng cát, nuôi dưỡng sự phồn thịnh của miền Nam của tổ quốc. Nay thì không còn nữa, rừng Tây Nguyên đã bị tận diệt, cả một dải miền Trung thành cằn cỗi, khô khát. Xin đọc “Nước mội, rừng xanh và sự sống” – một bài viết hay đến đau đớn của nhà văn Nguyên Ngọc, để thấy một tang thương .
Trong tác phẩm này, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết, nước mội là nước rỉ ra từ các chân đồi cát, trong veo, mát lạnh, tinh sạch đến mức có thể bụm vào lòng bàn tay, ngửa cổ uống ngay ngon lành. Chính chúng nuôi sống nền nông nghiệp từng trù phú của vương quốc Champa xưa, và của cả cha ông người Việt nữa khi họ đi về Nam…
Theo nhà văn Nguyên Ngọc, ngọn nguồn của nước mội tuyệt diệu tưới tắm cả vùng cát dằng dặc ven biển miền Trung, chính là rừng đại ngàn, rừng nguyên sinh, rừng nhiệt đới Tây Nguyên.
Rừng Tây Nguyên có ý nghĩa quyết định đối với toàn miền Nam về tất cả các mặt.
Nhưng nay, miền Trung đã kiệt nước mội rồi, điều này đang là tai họa tày trời!
Ở miền Trung – mà ở cả nước đều vậy – ngày xưa chỉ có lụt và lụt là mùa rất vui, thậm chí thân thiết. Mỗi năm lại trở lại một lần, người ta chờ nước lụt, nước lên từ tốn, ruộng đồng được tưới tắm phù sa, cũng là lúc làm ăn rộn rã, có lẽ cũng tương tự như mùa nước nổi ở Nam bộ thuở nào.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho hay, ngày nay không còn lụt, chỉ có lũ. Lũ rất khác lụt, lũ là nước đột ngột đổ ập xuống, như thác, hung bạo, nhanh và dữ. Lũ không mang phù sa đến, lũ quét sạch tất cả những gì nó gặp trên đường đi, và kéo đất đá từ trên rừng xuống lấp hết ruộng đồng.
Tác giả Thái Hạo nhận xét, rừng không phải chỉ là rừng, là gỗ, là chim thú; rừng là sự sống của con người, là nền tảng của kinh tế, là đảm bảo của thịnh vượng, là sự hưng vong của quốc gia.
Rừng hết nghĩa là nước hết, chỉ còn lũ, lũ quét, lũ ống, lũ bùn. Rừng hết nghĩa là thiên tai, là đất chảy, là điêu tàn tương lai.
Trồng cây để đợi thành rừng phải mất cả trăm năm, trong khi làm hồ thủy lợi có nhiều cách. Còn những mảnh xanh cuối cùng cũng đem phá nốt và lập luận rằng, sẽ trồng thay thế, đó là nói cùn, nói lấy được.
Tác giả Thái Hạo cho rằng, rừng đối với Việt Nam bây giờ phải được coi như da thịt, máu huyết. Phải bảo vệ như bảo vệ chính sự sống còn của mình, không một lý lẽ nào có thể dùng để biện minh cho hành động tàn phá.
Với tất cả giá trị của rừng, nhất là trong hoàn cảnh rừng đã gần như bị xóa trắng như hiện nay, thì việc chọn một phương án khác để làm hồ thủy lợi mà không phải phá rừng, dù kinh phí có cao hơn gấp vài lần, vẫn là một cái rất giá rẻ.
Tác giả Thái Hạo kết luận: Tôi phản đối phá rừng!
Ý Nhi – thoibao.de
>>>Về Quảng Ninh gặp ngay “xương voi”, Đinh Văn Nơi nuốt mãi không trôi!
>>>Nhiều người Việt ủng hộ nâng cấp mối quan hệ Việt – Mỹ
>>>Anh Trần Huỳnh Duy Thức và các tù nhân lương tâm bị đe dọa tính mạng tại trại giam số 6
>>>Lộ bí mật các dữ liệu thông tin của công dân: Lỗ hổng ở đâu, Cục An ninh mạng cần trả lời?
Nguyễn Chí Vịnh mắc bệnh “lạ” sức khỏe suy sụp do bàn tay Trung Quốc: Sự thật hay tin đồn?