Nhân dịp khai giảng năm học 2023 – 2024, trong thư gửi ngành Giáo dục của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, có đoạn nhắc tới “tiếng trống tựu trường”. Đây là một trong những từ khóa hot nhất trong những ngày này.
Ngày xưa, tiếng trống trường là kỷ niệm của tuổi học trò, gắn liền với hình ảnh bác đánh trống. Suốt 9 tháng trong một năm học, bác đánh trống trường cần mẫn báo hiệu các tiết học đúng giờ, không sai một phút.
Ngày nay, đã không còn trường nào sử dụng trống để báo giờ học. Việc đánh trống chỉ còn là một nghi thức trong ngày khai trường.
Trong các lễ khai giảng những năm gần đây, lại nảy ra một nghi thức bất thành văn, đó là mời quan chức đến đánh trống khai trường. Các quan chức được các ông, bà hiệu trưởng “đua nhau” mời cho được, đến trường dự ngày khai giảng, phát biểu và đánh trống. Thực chất, chuyện này chỉ nhằm khoe khoang mối quan hệ của nhà trường với giới lãnh đạo. Có nhiều hiệu trưởng, do thấy các trường khác đều mời lãnh đạo, mà trường mình không mời thì khó xử, nên cũng phải mời.
Thế rồi, cả Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội… và lãnh đạo các cấp khác cũng bị lôi kéo vào phong trào đánh trống khai giảng năm học mới. Dần dần, chuyện này trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Nó phản ánh một thứ tư duy háo danh của giới lãnh đạo, mà khổ nhất là đám học trò phải ngồi phơi nắng cả buổi, để nghe những lời phát biểu vô hồn của lãnh đạo. Thử hỏi, học trò cấp một, với trình độ i tờ của các cháu, liệu có thể hiểu được những điều mà quan khách nói?
Nhưng khai giảng năm nay, việc đại biểu đến dự, phát biểu khai mạc, rồi đánh trống, lại trở thành vấn nạn lớn, gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Đây là một vấn đề xã hội quan tâm, mà đa số là ý kiến phản đối, bởi nhiều lãnh đạo cấp cao từng đến dự và đánh trống khai giảng, sau đó ít lâu lại dính vào vòng lao lý, với những tội danh như, tham nhũng, ăn cắp hay nhận hối lộ.
Đến mức, báo Phụ nữ Thành phố có bài viết với tựa đề, “Lãnh đạo không đánh trống, không phát biểu chỉ đạo ở lễ khai giảng”. Theo đó, các tỉnh miền Trung yêu cầu lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, không tham gia phát biểu hay đánh trống ở lễ khai giảng.
Có lẽ, bởi lý do, trên mạng xã hội thống kê kèm theo hình ảnh cho thấy, đã có ít nhất có 6 lãnh đạo nổi tiếng cỡ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng, đó là: Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng, Chử Xuân Dũng… đã từng tham dự và đánh trống khai giảng, nay đang ở trong tù.
Đó là lý do, tại sao một vấn đề nhỏ, mà chính quyền Việt Nam năm nay lại quan trọng hóa như thế. Qua tìm hiểu thì được biết, các quan chức lãnh đạo trước đây thì thích, nhưng nay thì rất sợ “được mời” đi đánh trống khai giảng, bởi vì họ “sợ dớp” đánh trống khai giảng, trước sau rồi cũng đi tù? Với các quan chức, việc đánh trống khai giảng là điềm chẳng lành, mà lãnh đạo cần cảnh giác tránh xa, để đừng bị nhập kho.
Xưa nay, chẳng phải chỉ có ở Việt Nam, mà ở các quốc gia khác cũng có việc tương tự trong ngày khai trường. Đó là các nhà hảo tâm hay phụ huynh học sinh, nhân ngày khai trường đến dự và tặng các khoản giúp đỡ cho nhà trường. Đây là một nét đẹp.
Nhưng chẳng đâu như ở Việt Nam, lễ khai giảng là sự kiện quan trọng của các học sinh, các thầy cô giáo và ban giám hiệu. Họ mới là đối tượng chính của buổi lễ khai giảng. Quan chức lãnh đạo, dù cao cấp đến đâu, cũng chỉ là khách mời đến dự. Thì lẽ ra, nghi lễ đánh trống khai trường là việc trang trọng, phải dành cho các vị hiệu trưởng. Xã hội đã phân công, việc ai người nấy làm, quan chức dính dáng gì đến hoạt động của nhà trường, ai bắt các ông diễn trò đạo mạo đánh trống làm gì cho mất công.
Đây là một vấn đề của chủ nghĩa hình thức đã ngấm sâu vào máu của giới lãnh đạo nói riêng, và người Việt Nam nói chung. Một xã hội mà cái gì các lãnh đạo cũng phải tham gia, dính máu ăn phần, đã nhận phong bao, phong bì vậy mà còn khuyên răn dạy dỗ và chỉ đạo. Đó là thứ văn hóa phô trương, hình thức và trở thành tệ nạn dối trá, kệch cỡm
Những năm gần đây, lãnh đạo thích đánh trống khai trường để lấy cớ nhận phong bì, chứ xưa nay nó chỉ là việc thuần túy của ngành giáo dục và nhà trường. Giờ các quan tham vì ăn quen mồm, ăn quá đà, để rồi hàng loạt ngã ngựa do tham nhũng, chứ cái trống trường nó có tội tình gì đâu?
Các quan đi tù là do làm bậy, do tham nhũng, làm bậy ăn không chừa một thứ gì của dân. Khi ra tòa, có thấy cáo trạng nào nhắc đến tội đi tù vì đánh trống khai trường. Đã biết sợ đi tù, thì các quan phải tránh tham nhũng, tránh làm bậy. Chứ tránh đánh trống thì cũng chỉ giúp cho dân chúng đỡ ngứa mắt. Vấn đề cốt lõi là các quan phải biết đủ, đừng đớp bậy táp càn của dân nữa. Biết sợ như vậy, tại sao không soi gương trước khi đánh trống hay lên bục thuyết giảng, để biết mình là ai, có đủ tư cách hay không?
Dư luận xã hội thấy rằng, để lãnh đạo đến đánh trống (và nhận phong bì), lúc đó thì các quan thấy oai, thấy thích. Nhưng ít lâu sau đó, khi các vị lãnh đạo đó bị bắt đi tù, thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của thầy cô giáo, học sinh, cũng như toàn xã hội. Cho nên, tốt nhất là dẹp bỏ, hãy trả vinh dự đó cho các thầy, cô hiệu trưởng. Họ đánh trống khai trường là ý nghĩa nhất./.
Trà My – Thoibao.de