Vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đêm 12/9, thiêu cháy căn chung cư mini 9 tầng, đã có 56 người chết và hàng chục người khác bị thương, trong đó, có nhiều gia đình tử vong cả nhà.
Dù rằng ngay sau đó, sáng 13/9, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (C07), Bộ Công an, đã nhắc lại các khuyến cáo về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, song có lẽ, việc chỉ khuyến cáo chung chung chắc chắn sẽ không có tác dụng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh mới đây nêu ý kiến rằng, “… cơ quan chức năng đã ban hành rất nhiều chủ trương, biện pháp về phòng chống cháy nổ nhưng kết quả chưa tương xứng. Thậm chí dư luận cho rằng, chúng ta càng chỉ đạo, càng nêu nhiều giải pháp thì cháy càng nhiều, càng lớn…”.
Trong khi đó, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến nói rằng, công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay còn rất nhiều vấn đề, dù rằng, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, thuộc Bộ Công an, đã được nhà nước “ưu ái” tới mức, xây hẳn một tượng đài “Phòng cháy, chữa cháy” riêng ở trung tâm thủ đô Hà Nội.
Liên quan đến vụ cháy chung cư mini 9 tầng ở Khương Hạ, Thanh Xuân, một ý kiến được đánh giá rất xác đáng, khi cho rằng, “Lạ cho cái dân tộc chỉ thích tượng đài?! Bớt 1 cái là mua được 10 cái trực thăng cứu hoả hoặc cứu hộ, cứu thương cho dân. Đỡ bao mạng người.”
Đây không phải vấn đề mới, được biết, báo Tuổi Trẻ ngày 29/5/2013 đã có bài viết với tiêu đề: “Hà Nội sắm trực thăng chữa cháy”. Theo đó, “Ngày 28/5/2013, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy. Trước các ý kiến lo ngại cho các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội, trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, hiện nay Hà Nội đã có xe đặc chủng chữa cháy, có thể vươn lên các tòa nhà 39 tầng. Hà Nội cũng đã đề nghị mua sắm máy bay trực thăng phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy”.
Song, phát biểu này cũng chỉ để cho “sướng miệng”, rồi nhanh chóng rơi vào lãng quên, không còn ai nhắc tới. Bởi có lẽ là vấn đề “đầu tiên, tiền đâu”?
Vấn đề là, tại sao nhà nước không bớt các dự án xây tượng đài, cổng chào, ở các địa phương trên toàn quốc, để dành ngân sách ấy cho các vấn đề an sinh xã hội, như mua trực thăng chữa cháy là một vấn đề cấp thiết. Trong lúc, đa phần người dân Việt Nam lo ăn còn chưa xong, thì còn hơi sức đâu để ngắm tượng đài?
Đồng ý rằng, xây dựng tượng đài chỉ là thủ thuật của các lãnh đạo địa phương, để có các khoản “hoa hồng” lót tay 30 – 40 % trị giá của công trình. Nên nó có một sức hấp dẫn ghê gớm. Điển hình là tỉnh Thanh Hóa, các dự án xây dựng tượng đài trở thành một chiến lược “làm giàu cho lãnh đạo”. Ngày 21/2 vừa qua, Thanh Hóa lại khởi công xây dựng một công viên tưởng niệm “64 giáo viên và học sinh đã hy sinh khi bảo vệ đê Sông Mã trong năm 1972”, trị giá hơn 125 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 8/2022, Thanh Hóa khởi công xây dựng tượng đài “Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc”, với trị giá là 255 tỷ đồng, v.v…
Hay tỉnh Đắk Nông, một tỉnh nghèo ở Tây Nguyên, toàn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo gần 28%, số hộ dân không đủ ăn còn rất cao. Vậy mà, Đắk Nông mới đây công bố khánh thành tượng đài anh hùng N’Trang Lơng, có tổng kinh phí đầu tư tới 167 tỷ đồng.
Tại sao các tỉnh được cho là “vẫn còn nghèo”, phải “xin gạo cứu đói” cho dân vào mỗi dịp Tết, lại có thể đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng vào việc xây tượng đài. Và việc đổ tiền tỷ ra xây tượng đài, thì dân nghèo được hưởng gì?
Rõ ràng, đó là chuyện hết sức lãng phí, vô bổ và không thiết thực. Người dân không thể ngắm tượng đài mà cảm thấy ấm no được. Vậy tại sao, các địa phương không dành các nguồn ngân sách đó để lo những việc thiết thực hơn, như đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đầu tư vào bệnh viện, trường học hay xóa đói giảm nghèo.
Chủ trương xây dựng tượng đài thuần túy chỉ để phục vụ cho việc tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một mặt khác, các quan chức cũng được “xơ múi” kha khá. Nó chính động lực để các quan chức nghĩ cách tiêu tiền ngân sách, bằng đủ cách, đủ kiểu, để hưởng “hoa hồng” từ dự án.
Việc xây dựng tượng đài rất dễ tham nhũng. Không chỉ kiếm chác khoảng 30 – 40% tổng kinh phí xây dựng như các dự án khác, mà các dự án xây dựng tượng đài có thể kiếm chác lên đến 60 – 70% tổng mức đầu tư. Công trình tượng đài càng hoành tráng, càng đầu tư vốn lớn bao nhiêu, thì hư hỏng và xuống cấp nhanh bấy nhiêu. Đó là lý do vì sao, các lãnh đạo địa phương ở Việt Nam rất “say mê” trong việc xây dựng tượng đài và cổng chào./.
Trà My – Thoibao.de