Đài Á Châu Tự Do RFA ngày 18/9 cho biết, nhắc lại chuyến đi của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đến thủ đô Washington D.C (Hoa Kỳ) trong chuyến thăm chính thức vào năm 2015, và gặp Tổng thống Obama, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, “Mỹ phải thừa nhận chế độ, thể chế chính trị của chúng ta”.
Phát biểu của ông Phạm Minh Chính được đưa ra khi gặp gỡ cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở thành phố San Francisco, tiểu bang California, vào tối 17/9, nhân chuyến công tác để tham dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở Hoa Kỳ.
Ông Phạm Minh Chính nói rằng, trong tuyên bố chung của hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, “cũng nói rất rõ là Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị” của Việt Nam. Chính vì sự tôn trọng này, nên Tổng thống Joe Biden đã đến Hà Nội theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng chính Tổng Bí thư Trọng là người chủ trì trong lễ đón chính thức và hội đàm ngay tại trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, phát biểu của Thủ tướng Chính không đề cập tới lý do, vì sao Ban lãnh đạo Hà Nội là bên chủ động, và thậm chí phải “nài nỉ”, đề nghị Hoa kỳ nâng cấp “đối tác chiến lược toàn diện”?
Như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden với cử tri Mỹ vào tháng 7/2023, trước chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ khẳng định, lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam [ông Nguyễn Phú Trọng] vừa điện đàm và bày tỏ mong muốn, mời ông sẽ ghé Hà Nội trong chuyến công du Á châu 5 ngày, vào trung tuần tháng 9/2023. Tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ở thời điểm đó, theo dự kiến, Mỹ sẽ chỉ nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ lên một cấp, là “đối tác chiến lược” mà thôi. Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng mong muốn và đề nghị nâng vượt cấp lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”.
Về lý do khiến Hà Nội hết sức mong muốn và nài nỉ Washington, học giả, nhà nghiên cứu Biển Đông ông Trương Nhân Tuấn từ Paris, cho rằng:
“… sau ba năm phong tỏa do Covid, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà sụp đổ và quyền lực của Tập [Cận Bình] bị thách thức.
Bởi vì Việt Nam rập khuôn mô hình phát triển của Trung Quốc. Ta có thể nói, Việt Nam và Trung Quốc đắp chung chăn, ngủ chung giường. Việt Nam “ngủ trong chăn mới biết chăn có rận”.
Việt Nam áp dụng tư tưởng Tập Cận Bình, ít ra từ năm 2013 đến nay. Cốt lõi tư tưởng của Tập là sửa chữa những sai lầm, đồng thời hoàn chỉnh lại Chủ nghĩa Mác Lenin. Tập đã lấy kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống Xã hội Chủ nghĩa châu Âu, rồi đề ra một phương cách “quản lý nhà nước”. Áp dụng tư tưởng này, Trung Quốc phát triển từ 6 đến 8% mỗi năm. “Sáng kiến” Vành đai con đường của Tập cũng đã chinh phục 80% các quốc gia trên địa cầu. Dự án “Made in China”, sản phẩm Trung Quốc với chất lượng cao, cũng đã thành công trong chừng mực.
Vấn đề là, Việt Nam [đã nhận] thấy nguy cơ về mô hình phát triển kiểu Trung Quốc có thể sẽ phá sản và sớm sụp đổ. Ta thấy kinh tế Việt Nam hiện đang có nhiều “bịnh tật”, giống y chang như bên Trung Quốc. Trung Quốc “sụp” thì không có gì ngăn cản, [rồi] Việt Nam cũng sẽ sụp theo. Vì vậy, Việt Nam “quay xe”, ra dấu muốn làm thân với Mỹ”.
Còn về lý do vì sao tăng hai cấp quan hệ, theo học giả Trương Nhân Tuấn, “Tăng một lần hai cấp, ngoại lệ của mọi ngoại lệ, nhưng Việt Nam (thực ra là ông Trọng), đã đi một nước cờ rất “siêu”. Việt Nam ngả qua Mỹ có thể giúp Trung Quốc giải quyết nạn khan hiếm sản phẩm bán dẫn (do Mỹ cấm), đồng thời cũng sẽ giúp hàng hóa Trung Quốc “quá cảnh” Việt Nam, đóng dấu “ma de in Diệt nôm” trước khi qua Mỹ”.
Xin nhắc lại Hội nghị G7 mở rộng ở Nhật Bản hồi tháng 5/2023, Việt Nam được nước chủ nhà Nhật Bản mời tham gia, trong tư cách là thành viên mở rộng. Tại đây, ông Chính khẳng định, lãnh đạo Việt Nam đi đâu cũng không lép vế nữa, “ta đi đâu họ cũng phải đến mà trao đổi, họ nói chuyện, họ chào. Ông Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc gặp tôi là “Chào Việt Nam!” Thế giới thì đang khủng hoảng, nhưng Việt Nam thì rất ổn định. Việt Nam là một hình mẫu cho sự phát triển và ổn định.”
Theo giới quan sát, “một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, song một nửa sự thật không phải là sự thật”. Câu chuyện kể trên, về thực chất, chỉ là chuyện mấy anh lãnh đạo Cộng sản Hà Nội “ngạo nghễ”, để muốn lấy le với Bắc Kinh mà thôi!./.
Trà My – Thoibao.de