Sau khi những người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam tạo nên làn sóng, đồng loạt lên tiếng phản đối Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, vì đã tổ chức Lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” tối 13/9 tại Nhà hát lớn Hà Nội, quá rềnh rang và phản cảm. Buổi lễ có ca múa nhạc, không phù hợp với không khí tang thương của Hà Nội, sau vụ cháy chung cư với hàng chục người chết.
Ở thời điểm đó, Chủ tịch Hà Nội Trần Sĩ Thanh đã yêu cầu tạm ngưng các hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn thủ đô, từ ngày 14 đến ngày 17/9, để tưởng niệm các nạn nhân của vụ hỏa hoạn. Truyền thông Nhà nước còn cho biết, trong khi Hà Nội dừng các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, thì nhiều nhà hát thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý, như Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam và Nhà hát Múa rối Trung ương, vẫn tiếp tục tổ chức các buổi biểu diễn vào chiều tối ngày 16/9.
Vậy mà, trước phản ứng của dư luận xã hội, lập tức, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra văn bản, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý đối với những người lên tiếng chỉ trích lãnh đạo Bộ này. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, đã ký một công văn với mục đích “dằn mặt” dân chúng. Công văn của này có đoạn, “… các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý một số tài khoản Facebook đã lợi dụng vụ cháy để xuyên tạc, có bình luận phản cảm đối với lãnh đạo Đảng và nhà nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, và gây mất niềm tin trong nhân dân”.
Được biết, cộng đồng mạng và một số cá nhân đã tiếp tục lên tiếng chỉ trích cách hành xử này của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Họ đã không nhận thấy cái sai của mình, mà lại còn tìm cách sử dụng quyền lực nhà nước để đe nẹt người dân.
Đến mức, ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, đó là một cách ứng xử hoàn toàn không nên của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, vì người Việt vẫn có câu “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”.
Trả lời báo Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết:
“Đấy mới chỉ là chuyện đau ốm thôi. Còn đây là lúc hàng chục đồng bào mình tử vong, hàng chục người khác bị thương nặng trong hỏa hoạn, trong lũ quét, thì “cả tàu” không chỉ buồn thương mà là vô cùng đau xót, thương tiếc, buồn thảm. Ai mà dửng dưng được, ai mà nỡ cất lên câu hát, dù khe khẽ. Lũ trẻ con chúng còn biết thế. Huống hồ là tổ chức hát múa trên sân khấu những ngày buồn đau này, làm cho cả xã hội, cả cộng đồng mạng sôi cả lên”.
Và ông Nguyễn Thế Kỷ còn nói rằng:
“Đã làm trong Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, thì phải ý thức được, mình là người phải làm gương cho cả nước trong các hoạt động văn hóa, nghi lễ, trong các ứng xử văn hóa ở tầm quốc gia. Những việc liên quan đến thảm họa, tang lễ, thì ai cũng phải học hỏi sự bày dạy và quy định của cha ông. Xét về về văn hóa, về tình người lại không thể chấp nhận được”.
Cộng đồng mạng nói chung cho rằng, không thể chấp nhận thói quen hành xử của các quan chức lãnh đạo Việt Nam, với tâm lý y như “quan phụ mẫu” thời phong kiến. Họ luôn tự cho mình là đúng, tự cho mình có quyền có thể làm bất cứ việc gì, và người dân không ai được quyền phản đối.
Hàng chục năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục vận động học tập theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của ông Hồ Chí Minh, nhưng không hiểu, các lãnh đạo Việt Nam có nhớ câu nói nổi tiếng của ông Hồ rằng, “ cán bộ là công bộc, là đầy tớ của nhân dân. Chính phủ làm không tốt dân có quyền đuổi Chính phủ”. Và ông Hồ còn nói rằng, “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”.
Xin hỏi lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nói riêng, và lãnh đạo ở các bộ các ngành từ Trung ương tới địa phương nói chung, họ sẽ nghĩ gì? Các ông bà là đầy tớ hay muốn làm cha mẹ dân, mà hở ra là đòi ăn thua đủ với dân, như phường xã hội đen?./.
Trà My – Thoibao.de