Link Video: https://youtu.be/O7IxYKL5RRs
Ngày 25/9, VOA Tiếng Việt loan tin “Báo cáo của Viện Fraser: Việt Nam vẫn trong nhóm áp chót về tự do kinh tế, dù tăng 4 bậc”.
Theo đó, một báo cáo mới đây của Viện Fraser, một tổ chức nghiên cứu – phân tích hàng đầu ở Canada, cho thấy, Việt Nam vẫn trong nhóm áp chót về tự do kinh tế tính đến năm 2021, dù tăng vị trí được 4 bậc và đứng trên Trung Quốc.
VOA cho hay, “Báo cáo Thường niên 2023 – Tự do Kinh tế của Thế giới”, được Viện Fraser công bố hôm 19/9 về 165 nền kinh tế trên toàn cầu ở thời điểm năm 2021, xác định rằng, Việt Nam xếp thứ 106, đứng giữa nhóm thứ 3 trong 4 nhóm quốc gia. Nhóm thứ nhất gồm các nước tự do nhất về kinh tế và nhóm thứ tư gồm các nước kém nhất về tự do kinh tế.
Trong cùng nhóm 3, Việt Nam kém Ấn Độ (xếp thứ 87), Nepal (103) và Nga (104) nhưng đứng cao hơn Lào (107), Trung Quốc (111) và Ukraine (112).
VOA cho biết, Viện Fraser xếp hạng các nước và vùng lãnh thổ, bằng cách chấm điểm về 5 tiêu chí, gồm Quy mô chính phủ, Hệ thống pháp luật và các quyền về tài sản, Sức mạnh của đồng nội tệ, Tự do về giao dịch thương mại quốc tế, Chế tài của nhà nước.
Trong 5 tiêu chí đó, Việt Nam được 6,53 điểm và đứng thứ 83 về Quy mô chính phủ; được 5,15 điểm (thứ 77) về Hệ thống pháp luật và các quyền về tài sản; được 7,02 điểm (thứ 128) về Sức mạnh của đồng nội tệ; được 6,52 điểm (thứ 98) về Tự do giao dịch thương mại quốc tế; và được 6,10 điểm (thứ 103) về bàn tay can thiệp của nhà nước vào các định chế, thể chế.
Theo VOA, bắt đầu được Viện Fraser đưa vào báo cáo của họ từ năm 2000, thứ hạng của Việt Nam trồi sụt theo hình chữ V và chỗ đứng trong báo cáo lần này là mức tốt nhất từng có. Trước đây, các vị trí của Việt Nam là 110 vào năm 2000; 130 năm 2010; 132 năm 2015; 125 năm 2019 và 110 năm 2020.
Cũng VOA cho biết, Báo cáo năm 2023 của Viện cho thấy, 10 nền kinh tế tự do nhất thế giới, căn cứ vào số liệu có sẵn của năm 2021, theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Singapore, Hong Kong, Thụy Sĩ, New Zealand, Mỹ, Ireland, Đan Mạch, Australia, Vương quốc Anh và Canada.
Các nước và vùng lãnh thổ khác có thứ hạng cao, gồm: Đài Loan (11), Nhật Bản (20), Đức (23), Hàn Quốc (42), Pháp (47), Italy (53), Mexico (68).
Ở chiều ngược lại, vẫn theo VOA, đứng đầu các nước có mức độ kém tự do kinh tế nhất là Venezuela (xếp thứ 165/165), tiếp đến lần lượt là các nước Zimbabwe, Syria, Sudan, Yemen, Iran, Lybia, Argentina, Algeria và Congo.
Bản báo cáo lưu ý rằng, những nền kinh tế trong nhóm số 1, nhóm tự do kinh tế nhất, có mức GDP (tổng sản phẩm quốc nội) tính theo đầu người, trung bình là hơn 48.000 đô la trong năm 2021, so với mức hơn 6.300 đô la của các nước/vùng lãnh thổ trong nhóm 4, tức nhóm kém nhất.
Việt Nam tuy ở trong nhóm 3, nhóm áp chót, nhưng GDP đầu người năm 2021 chỉ ở mức hơn 3.700 đô la.
Từ sau khi mở cửa năm 1986, Việt Nam cho phép nhiều thành phần tham gia vào nền kinh tế. Nhưng cho đến nay, đã qua 37 năm, Chính phủ Việt Nam vẫn lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo, bất chấp việc các doanh nghiệp nhà nước liên tục làm ăn thua lỗ, gây ra nợ xấu hàng trăm ngàn tỷ đồng. Tất nhiên điều này cũng tạo ra sự thiên vị và bất công giữa các thành phần trong nền kinh tế.
Trong hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông đưa ra chủ trương xây dựng các tập đoàn nhà nước trở thành “quả đấm thép” cho nền kinh tế. Tuy nhiên, những “quả đấm thép” này đã thất bại thảm hại. Một loạt tập đoàn như Vinashin, Vinaline… đã thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng, đẩy nợ công lên cao và khiến một loạt lãnh đạo tập đoàn đi tù, thậm chí có người bị tử hình, như Dương Chí Dũng.
Sau đó, Chính phủ Việt Nam tiến hành cổ phần hóa hàng loạt doanh nghiệp nhà nước, nhưng trong nhiều doanh nghiệp, nhà nước vẫn giữ tỷ lệ vốn rất cao.
Minh Vũ
>>> Trung Quốc có thể khó chịu vì Việt Nam muốn mua vũ khí Mỹ
>>> Hỗn loạn và khó đoán định là văn hóa làm việc của VinFast
>>> Thứ mà Bộ Văn hóa thiếu nhất chính là văn hóa
>>> Chuyện nực cười về một “nhà nghiên cứu”
Những bài học cho Nga trong cuộc chiến Ukraine