Tuần đầu tiên VinFast phát hành cổ phiếu trên sàn Nasdaq, Mỹ, thì lên giá ngất ngưởng, rồi sau đó cắm đầu rơi xuống gần 13 USD/cổ phiếu.
Tuần tiếp theo, giá VFS của VinFast bay lên đến 9 tầng mây, cao điểm lên đến gần 98 USD/cổ phiếu. Sang đến tuần thứ 3, cổ phiếu VFS lại quay đầu tuột dốc, và kết thúc ở mức 29,5 USD/cổ phiếu. Đến ngày 11/9, cổ phiếu VFS một lần nữa nhào xuống dưới mức phát hành, với giá chỉ còn 16,57 USD/cổ phiếu và tiếp tục đi xuống.
Ngày 26/9, giá cổ phiếu VFS rớt xuống chỉ còn 12,88 USD/cổ phiếu. Giai đoạn thăng hoa ảo đã qua, giờ đây, cổ phiếu VFS đang trở về với giá trị thật của nó.
Ở thời điểm giá VFS cao ngất, một số chuyên gia đã cảnh báo, việc cổ phiếu VFS tăng giá mạnh không đến từ kỳ vọng hay kết quả kinh doanh của VinFast Auto, mà đến từ tâm lý của các nhà đầu tư nhỏ lẻ – những người vốn ưa lướt sóng cổ phiếu của các hãng xe điện. Về lâu dài thì kết quả kinh doanh sẽ quyết định giá cổ phiếu VFS. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, VinFast đã lỗ đến 18.000 tỷ đồng, tương đương 750 triệu đô la Mỹ.
Việc phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho VinFast của ông Phạm Nhật Vượng cũng nhận kết quả ê chề. Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thì trái phiếu VinFast chỉ bán được 692 tỷ đồng, đạt 6,92% so với kỳ vọng. Kết quả này cho thấy, nhà đầu tư nội đã không còn tin vào VinFast nữa. Trong khi nhà đầu tư ngoại cũng không tin, điều này thể hiện ở việc giá cổ phiếu đã rớt xuống 12,88 USD/cổ phiếu vào cuối ngày 26/9 vừa qua. Nhà đầu tư ngoại cũng không mặn mà gì với cổ phiếu VinFast.
Theo số liệu, trong 6 tháng đầu năm 2023, VinFast bán được 11.300 xe ô tô điện. Nhưng Công ty taxi xanh GMS của ông Phạm Nhật Vượng đã mua đến 7.000 xe, chiếm 62% xe bán ra. Như vậy, ông Vượng sản xuất ra xe ô tô điện rồi bán cho chính mình. Một nhà phân tích nhận xét rằng, ông Phạm Nhật Vượng đang muốn kinh doanh ô tô điện theo kiểu “rắn tự nuốt đuôi”. Mà con rắn cứ nuốt mãi cái đuôi của chính mình, thì kết quả cũng là phải chết mà thôi.
Để biết xe VinFast được thị trường chấp nhận đến mức nào, thì không thể dựa vào con số 11.300 xe, mà phải trừ đi số xe đã được sử dụng làm taxi điện, tức là chỉ còn khoảng 4.300 xe trong 6 tháng. Một con số quá thấp so với kỳ vọng điểm hòa vốn 50.000 xe vào cuối năm 2024. Chẳng lẽ, để đạt đến điểm hòa vốn, ông Phạm Nhật Vượng lại phải tự bỏ tiền túi ra để mua hay sao? Làm như vậy thì chẳng khác với việc bà bán phở tự mình ăn hết quầy phở của mình, rồi nói hàng của mình bán chạy, bán hết hàng.
Tính đến nay, hãng xe điện VinFast đã bán được gần 19.000 ô tô điện, trong đó, Việt Nam là thị trường chính, còn doanh số tại Mỹ chỉ là 1624 chiếc. Như vậy, đã 8 tháng trôi qua, nhưng VinFast vẫn chưa thể tiêu thụ hết 3.000 chiếc xe đã nhập vào Mỹ. Đây là một bước khởi đầu khá ì ạch. Nếu không tính những chiếc xe VinFast do ông Vượng bán cho chính mình, thì con số tiêu thụ còn nhỏ hơn rất nhiều.
Trong tình thế mở rộng thị trường chậm như “ốc sên”, huy động vốn trong nước thì thất bại, huy động vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ chưa được bao nhiêu, nhưng ông Vượng lại dự tính tiếp tục đầu tư nhà máy tại Indonesia, với tổng vốn lên đến 1,2 tỷ đô la Mỹ, rồi còn dự tính xuất sang thị trường châu Âu 3.000 chiếc xe VinFast.
Hiện nay, nhà máy tại Mỹ đang đốt tiền, VinFast lại tính nhóm thêm một cái lò đốt tiền nữa tại Đông Nam Á. Nên số tiền bị đốt trong thời gian tới hứa hẹn sẽ còn khủng hơn hiện nay. Có lẽ, ông Vượng vẫn còn kỳ vọng ở việc gọi vốn trên thị trường chứng khoán Nasdaq.
Ngoài ra, tham vọng cho VinFast “Tây tiến” với 3.000 xe như là một canh bạc rủi nhiều hơn may. Bởi lâu nay, thị trường EU vẫn được xem là khó tính hơn cả thị trường Mỹ. Bởi tại đây, xe Đức là một quả núi khó vượt. Đây là thử thách cực kỳ khắc nghiệt đối với chàng “tí hon” gầy gò VinFast.
Ý Nhi – Thoibao.de