Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước nắm khối tài sản 3,7 triệu tỷ đồng, tương đương với 154 tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, GDP của Việt Nam khoảng 408 tỷ USD. Như vậy là, khối doanh nghiệp nhà nước đang nắm một nguồn vốn xã hội rất lớn.
Việc dùng những chính sách ưu tiên cho khối doanh nghiệp nhà nước, đã làm cho thị trường cạnh tranh thiếu công bằng. Nhà nước làm chính sách riêng cho doanh nghiệp con cưng của mình, trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân phải tự bơi.
Trong chuyến đi Mỹ của ông Phạm Minh Chính, từ ngày 17 đến ngày 23/9 vừa qua, ông Thủ tướng Việt Nam đã “năn nỉ” phía Mỹ công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Được biết, trao đổi thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Mỹ năm 2022 là 124 tỷ USD, trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ là 95 tỷ đô la Mỹ. Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, thì thị trường Mỹ sẽ mở rộng hơn cho hàng hóa Việt Nam, và doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn trên đất Mỹ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Việt Nam năn nỉ mãi mà Mỹ vẫn ngó lơ. Nguyên nhân là gì?
Khối doanh nghiệp nhà nước đang chiếm một lượng tài sản khổng lồ và hưởng được nhiều chính sách ưu đãi, như vậy, nền kinh tế Việt Nam sao có thể gọi là kinh tế thị trường đúng nghĩa được? Bàn tay của nhà nước đang can thiệp vào thị trường rất thô bạo. Chính Đảng Cộng sản cũng hô hào rằng, nền kinh tế mà họ đang xây dựng là “nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, chứ có phải là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa đâu?
Hãy xem Công ty nhà nước EVN đã làm gì? Công ty này được ưu tiên độc quyền mua điện và bán điện, nhưng vẫn luôn than lỗ. Điều đáng nói là, Tổng Công ty than lỗ, nhưng công ty con lại dư tiền gửi ngân hàng hưởng lãi. Họ được quyền ưu tiên không lo phá sản. Nếu thua lỗ thì sẽ được cứu bằng tiền của dân. Vậy nên, họ giở chiêu, giữ tiền ở các công ty con, còn Công ty tổng thì báo lỗ, để đòi chính sách, để nhà nước cho họ tăng giá điện bù lỗ. Cứ như vậy, họ hút tiền của xã hội để trục lợi. Trong khi đó, họ mang tới cho xã hội một dịch vụ cực kỳ kém cỏi, gây tác hại đến đời sống dân sinh và sức sản xuất của doanh nghiệp.
Hay như hãng bay quốc doanh Vietnam Airlines, dù thua lỗ triền miên nhưng đều được nhà nước cứu. Tuy nhiên, cứu rồi thì họ lại lỗ tiếp. Dù vậy, họ vẫn được nhà nước hậu thuẫn để kết nối với hãng Boeing, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Hà Nội vừa qua. Trong khi đó, Bamboo Airways đang vật lộn với thua lỗ, nhưng không thấy ai cứu. Con cưng khác với con ghẻ là như thế. Nền kinh tế này không tạo sân chơi bình đẳng giữa các khối doanh nghiệp.
Ngày 26/9, báo Lao Động có bài viết “Nắm 3,7 triệu tỷ đồng, doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa phát huy vai trò dẫn dắt”. Tựa đề cũng đã cơ bản nói lên vấn đề của khối doanh nghiệp này. Báo chí nói rằng, “không phát huy vai trò dẫn dắt” chỉ là nói tránh. Thực chất, khối này phá nhiều hơn xây, chính nó tạo ra độ ỳ của nền kinh tế. Chính nó chèn ép khối doanh nghiệp tư nhân, và chính nó quản lý kém rồi hút nguồn vốn xã hội bù vào những khoản thua lỗ của nó.
Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trên 3 chân trụ, gồm: khối tư nhân, khối nhà nước và khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài (tức khối FDI). Trong đó có hai chân trụ đang bị què, đó là khối tư nhân và khối nhà nước. Khối tư nhân bị què bẩm sinh, do bị chèn ép quá lớn, không phát triển nổi. Khối nhà nước thì què vì “ăn chơi trác táng”, vì chỉ biết phá tiền của xã hội là chính. Còn lại, khối FDI thì chỉ mang lại GDP cho Việt Nam trên danh nghĩa, lợi ích thực sự thì phía nước ngoài hưởng phần lớn, chứ không phải của Việt Nam.
Nếu sớm dẹp khối nhà nước, thì nền kinh tế Việt Nam đã không què quặt đến thế. Khối tư nhân là cây bụi, bị cây đại thụ là khối nhà nước đè cho không lớn nổi. Nếu dẹp khối nhà nước, thì rõ ràng, khối tư nhân có được thị trường rộng hơn, được tự do hơn, và có được cơ hội lớn hơn. Với 3,7 triệu tỷ đồng, Đảng đã đẩy nền kinh tế Việt Nam xuống hố. Nếu không có khối FDI gánh đỡ và lượng kiều hối khổng lồ hằng năm, thì có thể nói, nền kinh tế Việt Nam đã sụp từ lâu.
Ý Nhi – Thoibao.de