Link Video: https://youtu.be/0AxhTA7e4S0
Ngày 1/10, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của blogger, nhạc sĩ Tuấn Khanh. Bài viết có tựa đề “Vì sao người miền Bắc thích xếp hàng mua bánh Trung thu?”
Tác giả cho biết, trang Facebook của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, người Huế, có đưa bức ảnh hàng người nằm ngồi ngổn ngang trước trước cửa hàng bánh Trung thu, từ giữa đêm để chờ mua. Với giọng văn hài hước, ông Trần Đức Anh Sơn hỏi và không thể tìm câu trả lời.
“Những người này đang xếp hàng chờ phát chẩn? Không phải! Chờ mua thần dược cho thân nhân đang mắc bệnh nan y? Không phải! Chờ gặp một vị thánh / thần / quan chức… nào đó, có thể giúp họ thoát khỏi nỗi khổ (tinh thần hay thể chất) mà họ đang oằn lưng gánh chịu? Cũng không phải!”, ông Sơn viết.
Bức hình mà ông Sơn đưa lên trang của mình, cho thấy, trời tờ mờ sáng, nhưng hàng người lũ lượt ngồi chờ nơi bán bánh Trung thu mở cửa. Nhiều trang báo cũng đưa cảnh hàng dài người tụ tập, chen nhau mua bánh Trung thu, ở một vài tiệm truyền thống lâu đời.
Tác giả cho biết thêm, cũng trên trang Facebook của ông Trần Đức Anh Sơn, nhiều người miền Bắc, ở tại ngay Hà Nội, vào bình luận và cũng chịu thua vì khung cảnh lạ lùng này. Một người chơi nhiếp ảnh ở Hà Nội bình luận “Dường như số kiếp của họ muôn đời phải thế. Đến như hưởng thụ cũng phải lầm than mới chịu”.
Nhiều bình luận khác có ý bênh vực, lại gây tranh cãi với quan điểm nhận định là thương phẩm được marketing tốt, hoặc văn hoá xếp hàng tử tế như vậy cần được phát huy…
Tác giả cho hay, trò chuyện với những người xếp hàng và những người mua được hàng, có thể tìm thấy một ít lời giải thích từ đây.
Đầu tiên, đó là giá tiền. Những cửa hàng có truyền thống làm bánh lâu đời ở Hà Nội, Hải Phòng, có mức giá bán ra nhẹ nhàng hơn so với giá của hàng loạt công ty danh tiếng khác trên thị trường, thường là rẻ hơn khoảng 10.000 đến 15.000 đồng.
Tuy nhiên, việc bỏ thời gian xếp hàng, chờ đợi, có khi đến 4 – 5 tiếng đồng hồ mới mua được mấy hộp bánh, không phải ai cũng làm được. Rõ là phải là người rảnh rỗi, và làm với mục đích cụ thể.
Tác giả dẫn một tờ báo Mỹ, nói về hiện tượng “sang cả” ở Trung Quốc. Theo đó, nền kinh tế mở khiến nhu cầu chứng tỏ sự sang trọng, đầy đủ và đẳng cấp của mình, cũng đã khiến việc mua sắm, ăn mặc và quà tặng giao tế cũng trở nên cầu kỳ. Xã hội hình thành việc rất “tinh tế” trong các tiêu chuẩn, kiểu giao tiếp mới với vật chất cũng xuất hiện.
Tác giả dẫn lời cô Nhung sinh viên cho biết, cô mua không phải để ăn, mà để bán lại hoặc nhận đặt hàng mua giùm từ trước. Đây có thể là món bánh dùng vào đêm hội Trung thu gia đình, nhưng cũng có thể được gửi tặng quà cho những mối quan hệ, mà chỉ nhìn qua hiệu bánh, thì biết người tặng đã có sự chuẩn bị rất đặc biệt, và rất “tâm tư”.
Tác giả nhận xét, điểm mới và khác của xã hội Việt Nam hôm nay, với ngày hội có từ lâu đời của người Việt Nam, đó là, cuộc vui mang tính cộng đồng và gia đình, mà giờ đây đã phải nhường chỗ cho chuyện lễ nghĩa, và có phần sinh hoạt riêng tư nhiều hơn.
Tác giả cho rằng, những người Việt từng sống qua thời trước năm 1975, đều nhớ những ngày bọn trẻ háo hức xin đi mua lồng đèn, trẻ con hẹn nhau kéo đèn qua phố phường, bánh kẹo là hương vị rộn rã của mùa trăng. Thời thế, có những điều hôm nay phải thay đổi, nhưng cũng có những thứ của lễ hội thanh tao ấy lại biến thành dịp để chạy việc, nhắc tên gợi nhớ với quan trên. Trẻ em thì dần hoàn toàn biến mất trong ý nghĩa Trung thu, có chăng là được phát góc bánh ăn cho vui miệng. Trống lân, ông địa… theo thời cũng nhạt dần trong ánh mắt trẻ thơ.
Minh Vũ
>>> Vụ Việt Á sắp được đưa ra xét xử, nhưng giá cả vẫn chưa chốt!
>>> Bộ Công an thông báo tìm bị hại mua trái phiếu của các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát
>>> Bộ Công an thừa nhận bắt bà Ngô Thị Tố Nhiên nhưng công bố thời điểm bắt giữ chậm hơn 10 ngày
Vì sao Bộ Giáo dục muốn hợp thức hóa cho các loại văn bằng kém chất lượng