Những năm gần đây, trong các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội hàng năm, cho thấy, có hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lỗ nặng, nợ hàng chục ngàn tỉ đồng.
Ngày 6/10, báo Thanh Niên có bản tin “Doanh nghiệp nhà nước lỗ lũy kế gần 70.000 tỉ đồng, nợ hơn 1,98 triệu tỉ đồng”.
Bản tin cho hay:
“Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cũng như hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2022. Theo đó, khoảng 9% trong số 667 doanh nghiệp nhà nước có lỗ phát sinh, khoảng 29.456 tỉ đồng; 21% doanh nghiệp còn lỗ lũy kế hơn 69.890 tỉ đồng.
Tổng nợ phải trả hơn 1,98 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với 2021; trong đó nợ ngắn hạn chiếm 55%.”
Điển hình, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airline – là một trong những doanh nghiệp nhà nước phát sinh lỗ tới hơn 8.600 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 27.000 tỉ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN lỗ gần 21.000 tỉ đồng trong năm 2022, nhưng con số này là đã giảm hơn 35.000 tỉ đồng so với năm 2021.
Không chỉ Vietnam Airlines và EVN thua lỗ. Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam TKV, một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, với vốn chủ sở hữu là 45.000 tỷ đồng, mà có dư nợ lên đến 74.000 tỷ đồng – tương đương khoảng hơn 3 tỷ USD, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu.
Với việc thua lỗ của Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam, báo Người Lao Động hôm 17/2 có bài viết, với cái tít khá mỉa mai: “Đào than lên bán mà TKV nợ tới 74.000 tỉ đồng, ai tin!”.
Vậy là, các “ông lớn” vừa kể luôn kêu lỗ khủng, liên tiếp từ năm này sang năm khác, nhưng vẫn “bình chân như vại”. Bởi vì các doanh nghiệp này được nhà nước bao cấp, nên thua lỗ thì đã có nhà nước bù lỗ. Nhưng người phải gánh chịu những khoản lỗ này, chắc chắn là người dân, vì tiền bù lỗ được lấy từ tiền thuế người dân nộp cho nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, cho rằng, việc các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ triền miên sẽ tạo ra những hậu quả đối với nền kinh tế, cũng như sự phát triển của đất nước. Các doanh nghiệp nhà nước này đã trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, thay vì giữ vai trò thúc đẩy các ngành kinh tế khác.
Cụ thể, “12 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc Bộ Công thương, điển hình như: Nhà máy DAP số 1 – Hải Phòng; DAP số 2 – Lào Cai; Đạm Ninh Bình; Đạm Hà Bắc; Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; Nhà máy thép Việt – Trung; Nhà máy Đình Vũ; Công ty Gang thép Thái Nguyên… Hiện có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính đang cấp tín dụng cho 12 dự án, với tổng số dư nợ là gần 21 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan gần 23 ngàn tỷ đồng.”
Trong khi, Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 1995 đã khẳng định, các doanh nghiệp nhà nước phải bị giải thể, phá sản theo Luật Giải thể, phá sản. Vậy vì sao Chính phủ Việt Nam không để phá sản với các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, không hiệu quả?
Vẫn theo bà Phạm Chi Lan cho biết, “Doanh nghiệp nhà nước nhiều khi như mọi người vẫn gọi vui là “chết mà không chôn được”… Nhiều khi họ thua lỗ đến mức phải cho phá sản, nhưng công việc kinh doanh của họ còn tồn tại quá nhiều. Về nợ phải trả, phải đòi, và bao nhiêu quan hệ hợp đồng khác chưa giải quyết… Kể cả phần tài sản của nhà nước, đánh giá như thế nào, thu hồi như thế nào, giải quyết như thế nào, và phá sản thì giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ra sao? ”
Hiến pháp năm 1992 ghi rõ, doanh nghiệp nhà nước, khu vực kinh tế nhà nước là chủ đạo của nền kinh tế, với lý do là trọng tâm của khái niệm “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa”.
Đến năm 2013, trong quá trình thảo luận về Hiến pháp 2013 sửa đổi, đã có rất nhiều các chuyên gia cho là, không nên đưa vấn đề “kinh tế nhà nước là chủ đạo” vào Hiến pháp. Tuy nhiên, Hiến pháp sửa đổi 2013 vẫn quy định “kinh tế nhà nước là chủ đạo”.
Đó là một trong những sai lầm trong chính sách kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay./.
Trà My – Thoibao.de