Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi ảnh hưởng đến người lao động như thế nào?

Link Video: https://youtu.be/A8qUoQkTSTA

Ngày 11/10, báo Tuổi Trẻ cho hay “Chính phủ chính thức trình Quốc hội 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần”.

Theo Tuổi Trẻ, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ký tờ trình gửi Quốc hội, về dự án Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi). Dự luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, khai mạc vào ngày 23/10 tới đây.

Trong tờ trình, Chính phủ tiếp tục trình 2 phương án liên quan đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần.

Với phương án 1, quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần với hai nhóm người lao động khác nhau.

Nhóm 1: Người lao động đã tham gia trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm, có nhu cầu được nhận một lần.

Nhóm 2: Người lao động bắt đầu tham gia từ khi Luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) không được nhận một lần.

Chỉ giải quyết hưởng một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư, hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng…

Với phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm, nếu người lao động có yêu cầu được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ.

Hình: Tuổi Trẻ đưa tin về Dự luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi

Người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với quyền lợi hưởng cao hơn, có nhiều cơ hội hơn để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu…

Đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp, do đó Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án nêu trên, báo Tuổi Trẻ cho hay.

Trên thực tế, dù Quốc hội chưa họp, chưa biểu quyết, nhưng số người rút bảo hiểm xã hội vì e ngại sự thay đổi chính sách sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, đã gia tăng.

Báo Dân Trí ngày 9/5 cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, số người rút bảo hiểm xã hội một lần đã tăng hơn 20% so với cùng kì năm ngoái.

Tình trạng người lao động đi rút bảo hiểm xã hội một lần đã gia tăng rất mạnh từ những tháng cuối năm 2022. Người đi rút bảo hiểm phải chờ đợi vật vã trước cơ quan bảo hiểm xã hội, chờ thâu đêm và chờ trong nhiều ngày.

Hình: Người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần vì e ngại chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng quyền lợi của họ

Nhiều người vẫn kiên nhẫn chờ đợi và kiên quyết rút tiền, dù họ biết, khi rút một lần, số tiền nhận được sẽ ít hơn số tiền đóng vào và mất lương hưu khi về già. Tình trạng này vẫn kéo dài cho đến hiện tại.

Năm 2014, Quốc hội từng thông qua Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi, theo đó, người lao động không được nhận tiền một lần nếu nghỉ việc trước khi đến tuổi nghỉ hưu. Điều này đã khiến hơn 90 ngàn công nhân Công ty PouYuen ở Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, nghỉ việc để biểu tình phản đối. Cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày khiến Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Tân bị tắc nghẽn và có nguy cơ lan rộng.

Vụ việc này đã khiến Chính phủ phải họp khẩn và cử người xuống thuyết phục, trấn an công nhân. Sau đó Luật này được hủy bỏ.

Bảo hiểm xã hội và tiền lương luôn là vấn đề nhạy cảm đối với người công nhân. Bởi mức phí bảo hiểm quá cao (22%), mức chi trả bảo hiểm cũng như lương hưu lại thấp, khiến cho người công nhân luôn bị thiệt thòi. Trong khi đó, đồng lương công nhân không đủ để trang trải những sinh hoạt cơ bản của gia đình.

Do đó, dù nhà nước có thuyết phục thế nào thì cũng khó an lòng dân, khi quyền lợi thiết thân của họ bị xâm hại.

Hình: Năm 2014, công nhân từng biểu tình phản đối chính sách không cho rút bảo hiểm xã hội một lần

Ý Nhi

>>> Bộ Công an lại kêu gọi bà Chủ tịch AIC ra đầu thú

>>> Quy hoạch cán bộ khóa XIV, có loại được thành phần cơ hội, phe nhóm?

>>> Cần rạch ròi trong yêu – ghét đối với Trung Quốc

>>> Hà Nội có “xây dựng” được người thanh lịch như yêu cầu của Thủ tướng?

Nhu cầu mua vũ khí Mỹ của Việt Nam