Không thể tin: Vì sao lãnh đạo Việt Nam lại mong muốn được lương thiện?

Một thực trạng khó có thể lý giải ở Việt Nam hiện nay, đó là, hầu hết các công chức, viên chức và lãnh đạo trong bộ nhà nước đều không sống bằng tiền lương. Bởi tiền lương quá thấp, không đủ để trang trải, cũng như đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình họ.

Nhưng câu hỏi đặt ra là, tại sao với đồng lương không đủ sống, nhưng một số không nhỏ các quan chức lãnh đạo, công chức, vẫn sở hữu nhà riêng hay biệt thự, con cái vẫn du học ngoại quốc?

Truyền thông nhà nước ngày 19/10 đưa tin, “Trung tướng Trần Văn Độ: “Hiện nay không phải ai cũng chính trực được đâu.”

Theo bài báo, sáng 19/10, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức tọa đàm “Giáo dục phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới”.

Tại Hội thảo này, Trung tướng Trần Văn Độ phát biểu rằng, hiện nay không phải ai cũng chính trực, bởi không liêm khiết được. Ông đưa ra ví dụ, “Thẩm phán lương 8 triệu đồng, mà nghề giúp việc lương cũng hơn 8 triệu, thì [cán bộ] liêm chính không nổi.”

Phát biểu của Tướng Độ khiến người ta liên tưởng đến câu ta thán của nhân vật Chí Phèo nói với Bá Kiến: “Tao muốn làm người lương thiện! Ai cho tao lương thiện?”

Câu nói của Chí Phèo tưởng rằng chỉ tồn tại trong tác phẩm văn học. Vậy mà, sau hơn 70 năm, trong thời đại mà ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định, “… đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, lại hiện hữu.

Có lẽ, Trung tướng Trần Văn Độ muốn đặt vấn đề để cảnh báo với chính quyền rằng, hãy cho công chức nhà nước được sống bằng đồng lương, để họ không cần phải tham nhũng vẫn có thể sinh tồn.

Quy luật sinh tồn của con người là “đói thì đầu gối phải bò”. Một khi lương của công chức nhà nước không đủ sống, thì cấp nhỏ thì tham nhũng vặt thông qua việc hành dân, đưa ra những điều kiện khó khăn, để buộc người sử dụng dịch vụ công phải bỏ ra phong bì để “cảm ơn”.

Cái lạ là, tại sao vị trí của một công chức quèn, với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng, mà người ta sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí cả tiền tỷ để được ngồi vào đó.

Còn các quan lớn – tức các lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, dẫu hưởng lương và bổng lộc từ tiền đóng thuế của người dân, nhưng cũng chỉ chăm chăm nghĩ mưu ăn cắp, bòn rút ngân khố thành của riêng.

Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, làm công chức nhà nước, điều kiện tối thiểu là phải đảm bảo có mức lương đủ sống, đủ nuôi gia đình con cái. Điều mà cho đến nay, nhà nước Cộng sản Việt nam sau 78 năm cầm quyền, không thực hiện nổi.

Khi công chức nhà nước lương không đủ sống, thì họ phải kiếm tiền bằng mọi cách, kể cả ăn bẩn. Môi trường giáo dục là điển hình dễ thấy nhất, nhà trường thì lạm thu của phụ huynh, thầy cô giáo thì ép học sinh phải học thêm, nếu ai không chịu thì bị trả thù ngay lập tức. Đây là điều mà ai cũng biết.

Không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, mà tất cả các lĩnh vực khác, đều ở một tình trạng chung như vậy. Mẫu số chung là tiền lương từ nhà nước trả cho công chức không đủ sống.

Song ở Việt Nam, chính quyền càng hô hào sắp xếp lại biên chế, tinh giản, cải cách bộ máy, thì hệ thống cán bộ công nhân viên chức lại càng phình to.

Truyền thông Việt Nam đã thừa nhận, “Cứ 40 người dân nuôi 1 công chức”. Theo đó, bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Tính bình quân, cứ 40 người dân nuôi 1 công chức!

Trong khi ở Mỹ, có dân số gần gấp 4 lần Việt Nam, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Nghĩa là, 160 người dân Mỹ mới chỉ phải nuôi một công chức, gấp 4 lần Việt Nam.

Phải chăng, đó là kết quả của một nhà nước không do dân chúng bầu ra, mặc dù chính quyền vẫn tuyên bố rằng, họ là “nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Nếu thế, đó chỉ là một thứ nhà nước vô trách nhiệm./.

Trà My – Thoibao.de