Trung Quốc tiếp tục leo thang trên Biển Đông

Link Video: https://youtu.be/y-ZeISJU21M

Ngày 31/10, VOA Tiếng Việt có bài phân tích “Tại sao Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông?”

Theo đó, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”, mà họ một lần nữa đưa vào phiên bản mới của bản đồ quốc gia vào đầu năm nay.

Bản đồ này đã gây khó chịu cho các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Philippines và Việt Nam, những quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển gần bờ biển của họ nhất.

VOA dẫn quan điểm của Trung Quốc, theo đó, Biển Đông là vùng biển lịch sử của Trung Quốc, được khám phá qua các hải trình từ thế kỷ thứ 2, thời nhà Hán, đến thời nhà Tống, và đặc biệt là những chuyến đi nổi tiếng của Đô đốc Trịnh Hòa thời nhà Minh.

Bắc Kinh khẳng định rằng, các ghi chép lịch sử của họ cho thấy, các triều đại Trung Quốc hùng mạnh lúc bấy giờ gần như có quyền kiểm soát hoàn toàn vùng biển này trong nhiều thế kỷ.

VOA cho hay, đường lưỡi bò hình chữ U trên bản đồ Trung Quốc đã vươn sâu vào Biển Đông; một sự thể hiện trực quan về quyền được tuyên bố của Trung Quốc đối với các vùng biển cách bờ biển Trung Quốc đôi khi hàng trăm km.

Các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền một phần biển và bác bỏ đường chín đoạn, bởi theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), mỗi quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế kéo dài 200 hải lý (khoảng 370 km), tính từ bờ biển của mình và có quyền chủ quyền.

Theo VOA, vào cuối những năm 1970, Biển Đông đã trở thành một trong những tuyến đường thương mại nổi bật nhất thế giới và các quốc gia Đông Nam Á phát hiện các mỏ dầu khí có tiềm năng sinh lời. Điều này đã gây ra sự kèn cựa giữa các bên tranh chấp là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

UNCLOS được đồng ý vào năm 1982, và được ký kết không chỉ bởi các quốc gia ven Biển Đông mà còn cả Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù đã ký luật, nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình.

Hình: Bài phân tích trên VOA

Tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia yêu sách khác vẫn tiếp tục kể từ đó, với nhiều cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của họ.

VOA cho biết, năm 2012, Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, sau cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng liên quan đến các tàu bán quân sự.

Sau đó, Philippines bắt đầu tiến hành tố tụng chống lại Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague.

Vẫn theo VOA, Tòa án ra phán quyết có lợi cho Philippines, kết luận rằng, UNCLOS “thay thế mọi quyền lịch sử hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác, vượt quá giới hạn được áp đặt trong đó”.

Nói cách khác, đường chín đoạn không cung cấp cơ sở cho các yêu sách mở rộng của Trung Quốc.

Hình: Báo chí nhiều lần phân tích sự vô lý của Bắc Kinh

Tuy nhiên, phán quyết này hầu như không có tác dụng gì trong việc kiềm chế Bắc Kinh. Trung Quốc tiếp tục xây dựng đảo và triển khai lực lượng tuần duyên, tàu đánh cá và dân quân biển ở vùng biển tranh chấp.

Từ đó đến nay, Philippines và Trung Quốc liên tục có những va chạm ở vùng biển này. Mới đây nhất là vụ va chạm khi Trung Quốc ngăn cản các tàu tiếp tế cho lực lượng đóng giữ trên chiếc tàu chiến cũ và gỉ sét từ thời Thế chiến Thứ hai – tàu BRP Sierra Madre của Philippines – hiện neo đậu tại Bãi Cỏ Mây. Đây được xem là một điểm nóng hiện nay tại Biển Đông.

VOA dẫn ý kiến của các nhà phân tích, cảnh báo rằng, các cuộc đối đầu đang trở nên căng thẳng và thường xuyên hơn, đồng thời ngày càng có nguy cơ tính toán sai lầm trong một cuộc tranh chấp kéo dài.

Nếu tình hình leo thang, điều này có thể khiến Mỹ rơi vào tình thế đối đầu với Bắc Kinh.

VOA cho biết thêm, dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, Philippines đã khôi phục liên minh với Mỹ, vốn đã trở nên tồi tệ dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, nhưng nước này cũng đã tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Australia.

Hình: Phán quyết của Tòa Trọng tài có lợi cho Philippines nhưng vô dụng với sự ngang ngược của Bắc Kinh

Minh Vũ

>>> Sự ra đi của cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Trung Quốc?

>>> “Thực chiêu” và “hư chiêu” của phiếu tín nhiệm

>>> Chủ nghĩa bài Do Thái tại các nước cộng hòa thuộc Nga

>>> Công nhân chỉ là những “anh Dậu”, “chị Dậu” mặc áo cổ xanh

Những “phò mã” Cộng sản